Vực dậy sân khấu Hà Nội không chỉ bằng niềm tin

ANTD.VN - Những vấn đề như 70 năm qua, sân khấu Hà Nội đã đạt được những thành tựu gì, những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đã được các đại biểu phân tích tại hội thảo "70 năm sân khấu Hà Nội" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định, 70 năm qua, sân khấu Hà Nội đã có một lịch sử không thiếu vinh quang, rất nhiều thành tựu nhưng cũng nhận thấy giới nghệ sĩ nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng vẫn còn cần phải giải quyết rất nhiều những vấn đề của chính mình trong quá trình phát triển.

"Dù xót xa, những người làm sân khấu cũng phải thừa nhân thời đại hoàng kim của cải lương đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền…đang mất dần công chúng. Các loại hình văn nghệ quần chúng đang gặp nhiều trở ngại. Cơ chế của Nhà nước với các nhà hát đang thay đổi theo chiều hướng thị trường. Xu hướng giải trí có xu hướng lấn dần nghệ thuật chuyên nghiệp không phải vì nghệ thuật chuyên nghiệp không giữ được tính chất chuyên nghiệp mà chủ yếu là do thị hiếu của đám đông đang nghiêng về sự giải trí đại chúng. Đây không phải là cái gì mới lạ, trái quy luật mà nó là hiện tượng mang tính phổ quát, toàn cầu", NSND Nguyễn Hoàng Tuấn nhấn mạnh.

Hội thảo do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng giải thích cụ thể hơn. Theo anh, khán giả thấy các vở diễn trong thời gian gần đây vẫn rất hay, rất có ý nghĩa, không có gì để chê, nhưng không mới và không đi vào tâm tư tình cảm của họ. Sân khấu truyền thống thì vẫn theo những chủ đề cũ như "trung quân ái quốc", "bi lụy tình ái"...nhưng câu chuyện và cách thể hiện không giống như thị hiếu của khán giả bây giờ. Sân khấu kịch nói thì vẫn rất hay nhưng lại cũ quá. Người ta đi xem sân khấu Hà Nội mà thấy không khác gì những nhà hát khác đóng trên địa bàn Thủ đô. Nghĩa là, không thấy chân dung con người Hà Nội thanh lịch nho nhã, không thấy những danh nhân lịch sử đã góp phần làm nên một Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Mà sân khấu và nghệ thuật, cá tính sáng tạo là rất quan trọng.

Theo TS Cao Ngọc, đã vài thập niên nay, trên sàn diễn ở Thủ đô vắng bóng những tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại hấp dẫn, vắng bóng hình ảnh một Hà Nội năng động với biết bao đổi thay mạnh mẽ. Qua những liên hoan Sân khấu Thủ đô được tổ chức định kỳ, người xem nhận thấy các đơn vị đang đi theo xu hướng an toàn, hoài cổ khi vẫn dàn dựng các kịch bản đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, nước ngoài, dựng lại các kịch bản cũ.

Bước vào chặng đường mới, để sân khấu Thủ đô phát triển xứng tầm, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các văn nghệ sĩ, cần sự chung sức của các ngành, các đơn vị trong hoạt động hỗ trợ sáng tác, tổ chức liên hoan nghệ thuật. Đặc biệt cần chú trọng bồi dưỡng thế hệ kế cận, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để sân khấu ngày một cách hấp dẫn.

Sân khấu vẫn chọn giải pháp an toàn thay vì chuyển mình mạnh mẽ

“Yêu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay, đặt ra nhiệm vụ cho nghệ thuật sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà. Cũng bởi thế giới nghệ sĩ sân khấu cần nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị đỉnh cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, hoàn thành sứ mệnh trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, chung sức, chung lòng xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhân dân”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng một lần nữa cho hỏi rằng, anh và những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu có một niềm tin mang tính chất hy vọng rằng, sẽ có ngày sân khấu Hà Nội trở lại vị trí vốn có và đáng phải có. Bởi vì nếu không có niềm tin ấy, chắc chắn nhiều người như không còn đủ sức theo nghề, hoặc là cố cầm cự để theo đuổi cái nghề mà nhiều người coi là nghiệp phải gánh. Nhưng nếu chỉ tin không thì không đủ. Sẽ phải có những nỗ lực nào để xây dựng niềm tin, chứ không sẽ chỉ như câu khẩu ngữ thông thường “làm bằng niềm tin à”. Sân khấu là thánh đường, và phải là nơi khán giả đến đó với sự trân trọng, và được chúng ta, những người làm sân khấu, đón tiếp bằng thái độ trân trọng và những tác phẩm trân trọng. Đó là những tác phẩm không chạy theo thị hiếu nhất thời của khán giả, mà chỉ bám vào hiện thực đời sống để đề cao những giá trị cốt lõi của đất và người Thủ đô.