Nhà văn Mạc Can:

Vừa đi, vừa nghĩ suy vừa nhìn

ANTĐ - Đây là tập sách gồm 12 truyện ngắn được Mạc Can khởi viết đã lâu, từ hồi “biến mất” một cách rất lặng lẽ giữa Sài Gòn hào nhoáng để đi Nhật, đi Mỹ, đi Canada làm đủ thứ nghề, từ bưng bê trong quán phở, phụ việc trong hiệu làm đẹp móng, làm việc theo giờ trong lò bánh mì… Những truyện ngắn mà ở đó, dù đã “mã hóa” qua nhiều nhân vật khác nhau thì bóng dáng Mạc Can vẫn hiển hiện, song hành với bóng dáng ấy là những người Việt xa quê. 

- Thưa nhà văn Mạc Can, “Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn” có phải là toàn bộ những truyện ông viết trên đất Mỹ không? 

- Cuốn sách này ban đầu tôi đặt tên là “Đi và sống… để viết”. Nhưng khi in, NXB Trẻ đã đặt cho cái tựa mới, nghe cũng rất ngộ. Thật ra đây chưa phải là toàn bộ những gì tôi nhìn thấy khi sống trên đất Mỹ. Toàn bộ câu chuyện là một cuốn tiểu thuyết dài về cuộc đời của hai mẹ con Du Uyên, tôi đặt tên cuốn tiểu thuyết đó là “Nửa bước vào miền đất hứa”. Còn 12 truyện ngắn trong tập sách mới vừa ra mắt bạn đọc không hề nói về điều đó. Tạm thời 12 truyện trên có tính cách giải trí nhiều hơn. Nó chỉ bắt đầu cho những gì sẽ được viết trong cuốn tiểu thuyết mà tôi vừa nói. Câu chuyện có một phần ở Việt Nam, ở Nhật và sau đó là nước Mỹ.

- Nếu Mạc Can không có chuyến xuất ngoại khá bí mật vào mấy năm trước, chắc độc giả không có cuốn sách này?

- Không thể tưởng tượng được là có nó, tuy nhiên cũng chỉ là ngồi buồn viết chơi thôi mà, có điều sau đó có chút hư cấu cho mỗi truyện, tuy không nhiều, cho dễ đọc. Chuyến đi không có gì bí mật, chỉ có điều tôi nghĩ không nên làm “náo động”. Vì tôi là người của công chúng ở Việt Nam và cả ở nước ngoài. Tôi muốn đi bình lặng và trở về cũng bình lặng. Cuốn truyện được trên mạng bình bầu 5 sao làm chính tôi phải ngạc nhiên tới nỗi phải đọc lại, và tôi thấy nó lạ, ví dụ trong truyện ngắn “Chuyện cổ tích về Nail”. Tôi nghĩ tiểu thuyết hay truyện ngắn kiểu mới có thể phá cách. Để đưa người đọc qua bên kia bức tường ngôn ngữ. Có lẽ nhờ vậy mà có điều thú vị như trong truyện “Motel Psycho” hay là truyện “Ghost”, tôi mượn ở các phim cho có chất điện ảnh. Có nhà văn nào viết như vậy chưa tôi cũng không biết. Có lẽ nó cũng mới, may là sách đã in không xảy ra chuyện nhiêu khê gì. 

- Đọc cuốn truyện ngắn mới ra mắt, dù ông đã khéo léo đưa đẩy qua rất nhiều nhân vật nhưng độc giả vẫn có thể nhận ra những ngày “lang thang” xứ người Mạc Can cũng phải làm đủ thứ nghề, từ diễn ảo thuật trong casino, trong đám cưới, trong các buổi dạ hội… rồi Mạc Can đi làm thêm theo giờ ở hiệu bánh mì, lại đi làm ở cửa hàng nail… Bận rộn như vậy, nhưng vẫn thấy ông rất “lẻ bóng” ở xứ người, những lúc ấy ông thường ngồi viết?

- Những ngày ở Mỹ tôi viết nhiều và gửi về Việt Nam in cuốn “Nhớ”  và cuốn “Ba… ngàn lẻ một đêm” cùng một số truyện ngắn đã in trên báo trong nước. Viết giúp tôi đỡ cảm thấy cô độc, và đỡ nhớ Sài Gòn. Cũng may cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi “Tấm ván phóng dao” bán được khá nhiều ở Mỹ. Nhờ nhuận bút của cuốn này tôi mới đủ tiền mua một vé máy bay không khứ hồi để về nhà. Tôi nhớ nước Mỹ nhưng không trở lại làm gì, tôi nghĩ cũng đủ rồi vì tôi yêu Việt Nam hơn. Các cháu sinh viên người Việt Nam ở Mỹ từng nói với tôi: “Chú Mạc Can nên về Việt Nam vì ở quê nhà chú có nhiều khán giả và độc giả hơn”. Đúng vậy, khi về đi trên đường phố quê nhà, tôi được mọi người chào mừng như người thân.

- Và Mạc Can vẫn tiếp tục viết…?

- Đúng vậy. Hàng ngày tôi đều viết như bị ma ám. Thao thức để viết vì tôi có trong định mệnh chung với nhân loại. Một nhà văn đúng nghĩa, là dự báo trước các điều sẽ diễn ra, đại loại như người ta có thể dự báo một cơn bão lớn. Như tôi từng có lần nói chính con người tự cứu bão cho mình. 

- Xin cảm ơn nhà văn Mạc Can về cuộc trò chuyện này!

 - Tôi phải cảm ơn bạn mới phải. Vì qua câu chuyện này, tôi nói được vài điều, cảm ơn bạn và cảm ơn các độc giả, khán giả khắp nơi.

Vừa đi, vừa nghĩ suy vừa nhìn ảnh 2


“Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn” là tập sách thứ 15 của Mạc Can, sách dày 178 trang gồm 12 truyện ngắn: Một người Mỹ trầm lặng, Đêm Halloween, Con cá rô và Casino, Của chuột và người, Mây đêm Noel… 

Nhà văn Mạc Can sinh năm 1945, trên sông Tiền - đoạn chảy qua Mỹ Tho, miền Tây Nam bộ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam.