Michael ăn chơi trác táng với số tiền lừa đảo được
Tuổi trẻ tài cao?
Michael Hugh Wilson (SN 1987) sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở Buffalo, thành phố nhỏ nằm phía Tây bang New York, Mỹ. Theo hồ sơ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Michael bắt đầu kinh doanh từ rất sớm, khi chưa tròn 20 tuổi đã dám vay gần 500.000USD để mua tới 4 bất động sản ở Buffalo.
Trong con mắt những người quen biết, Michael là một doanh nhân tuổi trẻ tài cao, sở hữu những căn biệt thự đắt tiền ở các khu đắc địa cùng hàng loạt xe sang. Thực tế là để có tiền tiêu rủng rỉnh, từ tháng 6-2008 đến 7-2010, tại quận Tây New York và một số nơi khác, Wilson đã tổ chức và sắp xếp một đường dây lừa đảo lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tiền hàng triệu USD của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân. Đối tượng cũng thiết lập một đường dây rửa tiền liên quan đến các nguồn tiền bất hợp pháp.
Để giành được lòng tin của các nhà đầu tư, Wilson đã lập hàng loạt công ty “ma” như: Phantom Holdings, New Frontier Holdings, New Frontier Trust, New Frontier Corporation, Carnic Services, Zodiac Capital, Crawford Churchill và West Kingdom Holding, thu hút được số tiền lên đến gần 10 triệu USD của nhiều nạn nhân.
Hai lần tẩu thoát
Tháng 7-2009, trước nhiều bằng chứng thuyết phục, FBI có “động thái” đầu tiên là việc khám xét 2 căn nhà của Wilson ở Hamburg, New York. Hành vi phạm tội nhanh chóng được làm sáng tỏ, với thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi, Wilson thậm chí còn được gọi là “Madoff”.
Ngày 19-7-2010, Michael Hugh Wilson bỏ trốn sang Canada nhưng bị Cơ quan Kiểm soát biên giới Canada bắt giữ theo đề nghị của Cơ quan Xuất nhập cảnh tại Vancouver. Tuy nhiên, Wilson chấp nhận nộp ngay khoản tiền bảo lãnh lớn và ung dung sống tại Toronto.
Tháng 12 cùng năm, Michael bị các cơ quan chức năng của Mỹ buộc tội lừa đảo qua mạng, âm mưu thực hiện các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, đồng thời chuyển yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan chức năng của Canada. Song mãi tới tận tháng 7-2013, sau khi em trai, cũng là đồng phạm, William Hugh Wilson bị FBI bắt giữ, Michael mới bị cơ quan chức năng của Canada bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của phía Mỹ.
Sau khi nộp tiền bảo lãnh, Michael tiếp tục được tại ngoại dù phải trình diện hàng tuần với các cơ quan chức năng trong thời gian chờ phán quyết của Tòa án Canada. Các cơ quan chức năng Canada dự định sẽ dẫn độ Michael vào ngày 10-2-2016 về Mỹ, nhưng trước thời điểm này, đối tượng đã bỏ trốn và bị Ban Tổng thư ký Interpol phát lệnh truy nã quốc tế.
…Và bị bắt tại Việt Nam
Ăn - chơi ở Việt Nam
Tháng 5-2016, Cục Đối ngoại (Bộ Công an Việt Nam) nhận được điện từ phía Cảnh sát Mỹ đề nghị phối hợp truy tìm và bắt giữ đối tượng truy nã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Michael Hugh Wilson.
Theo thông báo, đối tượng này sử dụng 3 tên khác là Benjamin Brock Brown, George Possiodis và Richard O’Connell cùng 3 hộ chiếu khác nhau để đào tẩu. Ngày 5-2-2016, với hộ chiếu mang tên Benjamin Brock Brown, Michael đã thuê một máy bay riêng bay từ Toronto, qua Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) rồi đến TP.HCM.
Dữ liệu xuất nhập cảnh ghi nhận việc Benjamin Brock Brown đi cùng 2 người phụ nữ và… 3 con chó. Hai người phụ nữ này được làm rõ là mẹ và vợ của Michael, nhưng sau đó đã xuất cảnh đi Thái Lan.
Thông tin về đối tượng sau đó được chuyển tới Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an. Tiến hành điều tra, Ban chuyên án nắm được đối tượng liên tục di chuyển dựa trên thông tin lưu trú tại nhiều khách sạn khác nhau trên địa bàn quận 2, TP.HCM. Cũng trong thời điểm này, trinh sát thậm chí còn phát hiện đối tượng tải ảnh đang ăn chơi ở thành phố Nha Trang lên tài khoản facebook cá nhân.
Tiếp tục theo sát di biến động của đối tượng, các trinh sát phát hiện Michael thuê nhà tại số 20/4 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. 21h ngày 23-6-2016, lực lượng công an tổ chức kiểm tra hành chính. Dù bị bất ngờ, nhưng đối tượng nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh và cương quyết phủ nhận mình là Micheal Wilson, cũng khẳng định không biết gì về lệnh truy nã của Cảnh sát Mỹ. Thậm chí Michael còn xuất trình giấy tờ chứng minh mình tên là Benjamin Brock Brown, quốc tịch
Vanuatu. Kết quả điều tra sau đó cho thấy, trong thời gian trốn chạy, Michael đã kịp xin thêm quốc tịch quốc đảo nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương này.
Trước các tài liệu được cơ quan Cảnh sát Truy nã tội phạm đưa ra, Michael cuối cùng đã phải thừa nhận nhân thân thật của mình. Thông tin nhanh chóng được trao đổi với Cảnh sát Mỹ và hai bên “chốt” ngày dẫn giải “vua bóng ma” về nước. Theo đúng quy định, việc phối hợp dẫn giải thuộc trách nhiệm của Cục Đối ngoại.
Nỗi buồn… về nước
Trong những ngày chờ nhà chức trách Mỹ sang làm thủ tục tiếp nhận, Michael Wilson được giam giữ tại một trại giam của Bộ Công an ở phía Nam. Thời gian đầu, do không có phạm nhân nào biết tiếng Anh nên Michael gần như cả ngày không nói câu nào. Dần dần, có “bạn tù”, anh ta tự học thêm một số câu tiếng Việt đơn giản, đồng thời dạy tiếng Anh kiểu truyền khẩu cho các phạm nhân khác. Thỉnh thoảng các phạm nhân còn nghe Michael nói bằng tiếng Trung và kể mình có vợ là người Trung Quốc, song hai vợ chồng đã… mất liên lạc kể từ sau khi đến Việt Nam.
Cho đến ngày bị đưa về Mỹ, Michael vẫn giữ được thể chất tốt và cả phom người chuẩn do chăm chỉ tập thể hình hàng ngày trong tù. Song khác hẳn với lúc bị giam ở Việt Nam, khi tiến hành các thủ tục bàn giao cho Cảnh sát Mỹ và nhất là lúc ra sân bay, tâm lý của anh ta thay đổi hẳn.
Theo luật pháp Mỹ, hình phạt cao nhất cho mỗi cáo buộc lừa đảo là 20 năm tù cùng mức phạt tiền 250.000USD, còn với cáo buộc rửa tiền là 10 năm tù và mức phạt tiền tương đương. Trong khi đó, Michael đối mặt với 47 cáo buộc lừa đảo, rửa tiền và âm mưu lừa đảo.
Dù cán bộ Cục Đối ngoại tham gia dẫn giải tìm mọi cách để giúp Michael không bị căng thẳng, nhưng trên suốt các chặng bay kéo dài gần 24 tiếng, anh ta vẫn không thể chợp mắt. Khi gần đến New York, “vua bóng ma” đột nhiên tâm sự mình có ấn tượng rất tốt đối với người Việt Nam và hy vọng rằng “sau khi xử lý xong việc riêng tại Mỹ” có thể… tiếp tục quay trở lại Việt Nam sinh sống.