Vụ Việt Á: Quan điểm và đề nghị "lạ" đối với cựu Bộ trưởng

ANTD.VN - Chiều 8-1, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á tiếp tục phần bào chữa. Đáng chú ý, luật sư của cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án bằng đúng thời hạn tạm giam và cho rằng thân chủ chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự.

Rất khó phân định tính đúng sai

Trong vụ án này, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN) từ 3 – 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bào chữa cho cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Chu Ngọc Anh được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam.

Đại diện Viện kiểm sát luận tội các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát luận tội các bị cáo.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó trong đó có giao cho Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm (viết tắt là Đề tài) do Bộ KH-CN phê duyệt, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật) đề xuất, tác động với lãnh đạo Bộ KH-CN ký các văn bản triển khai thực hiện Đề tài.

Trong đó, giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề tài với nguồn kinh phí 18,9 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước… Ngoài ra, VKS còn xác định Chu Ngọc Anh đồng ý để Phạm Công Tạc (lúc đó là Thứ trưởng Bộ KH-CN) chủ trì tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á, năng lực sản xuất của Công ty Việt Á và Chu Ngọc Anh trực tiếp ký Quyết định khen thưởng Việt Á…

Cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN tại phiên tòa.

Cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN tại phiên tòa.

Theo luật sư, bị cáo Chu Ngọc Anh đã thừa nhận hành vi và chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh khách quan, đánh giá toàn diện vụ án. Liên quan đến cáo buộc bị cáo này ký quyết định phê duyệt đề tài, giao cho Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á thực hiện là trái quy định của pháp luật, luật sư cho biết theo Luật KH-CN về đề xuất nhiệm vụ thì có 2 dạng, gồm cơ quan/tổ chức, cá nhân tự đề xuất và Bộ trưởng chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ đề xuất đặt hàng.

Luật sư cho rằng, việc lấy ý kiến tư vấn xoanh quanh đề tài thông qua Hội đồng tư vấn KH-CN. Và “việc ký các quyết định của bị cáo Chu Ngọc Anh là trong bối cảnh cấp bách” - luật sư của cựu Bộ trưởng nói.

Luật sư có dẫn ra thông tin của Bộ Y tế để thấy rằng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh. Trong khi đó, thời điểm này chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị. Với tư cách là người đứng đầu Bộ KH-CN, luật sư cho rằng cựu Bộ trưởng phải hành động.

Cụ thể, bị cáo Chu Ngọc Anh đã trao đổi với Thứ trưởng Phạm Công Tạc để tổ chức cuộc gặp với các nhà khoa học, xin ý kiến, góp ý, khuyến cáo. Bị cáo Chu Ngọc Anh đã ký các quyết định, xác định 3 nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19. Tiếp đó, Bộ KH-CN và Học viện Quân y ký hợp đồng triển khai.

Luật sư cho rằng Việt Á tham gia là theo đề nghị của Học viện Quân y. Như vậy không có hành vi nào của cựu Bộ trưởng là trái với quy định của Luật KH-CN nên mong HĐXX xem xét.

Các bị cáo trong vụ án.

Các bị cáo trong vụ án.

Về việc đưa kit xét nghiệm sản xuất thương mại trái quy định, vị luật sư cho rằng, đề tài này dừng ở mức nghiên cứu quy trình, Bộ KH-CN không chịu trách nhiệm sản xuất thương mại. Đây là nội dung nằm ngoài phạm vi đề tài. Vấn đề sản xuất thương mại là trách nhiệm của Bộ Y tế. Đề tài vẫn thuộc phạm vi quản lý của Học viện Quân y nên trách nhiệm chính là Học viện Quân y.

Theo luật sư, lĩnh vực nghiên cứu khoa học là đặc thù, chỉ có người trực tiếp nghiên cứu mới biết rõ, vì vậy luật sư nói lên sự lăn tăn, đắn đo về việc sản phẩm này là của Việt Á hay của đề tài. Trong khi Bộ KH-CN chưa có kết quả nghiệm thu đề tài.

Quá trình bào chữa, luật sư của bị cáo Chu Ngọc Anh cho rằng các hành vi của thân chủ mình đều diễn ra trong tình huống khẩn cấp, mọi việc đều phải giải quyết trong tình huống cấp bách nên tính đúng hay sai rất khó phân định. “Trong vụ án này, ông Chu Ngọc Anh có lỗi sai nhưng không nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – vị luật sư nhìn nhận.

Luật sư đề nghị trả lại tiền đưa hối lộ cho Việt Á

Trước đó, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị VKS đề nghị mức án 15-16 năm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 15-16 năm về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Bào chữa cho bị cáo Phan Quốc Việt, luật sư nêu bị cáo Việt đã chủ động khai báo và thành khẩn khai báo về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, đồng thời thừa nhận hậu quả do hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây ra là 402 tỉ đồng.

Bị cáo Phan Quốc Việt.

Bị cáo Phan Quốc Việt.

Đối với việc đưa tiền cho các cá nhân, luật sư cho rằng động cơ của Phan Quốc Việt chỉ với một suy nghĩ là những người đã có công giúp Công ty Việt Á được sản xuất test xét nghiệm Covid-19 phục vụ chống dịch, khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì trích ra để cảm ơn họ. Việc đưa tiền cám ơn này đều thực hiện sau khi Công ty Việt Á được sản xuất test xét nghiệm Covid-19 và thu được lợi nhuận từ việc sản xuất test này.

Trong quá trình điều tra, Phan Quốc Việt đã chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ của mình; tích cực hợp tác giúp cơ quan điều tra để điều tra, xử lý các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án này được thuận lợi, nhanh chóng.

Về số tiền Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ, do “ông chủ” Việt Á chủ động khai báo với cơ quan điều tra về hành vi này; tích cực hợp tác giúp điều tra, xử lý các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ liên quan. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX trả lại toàn bộ số tiền mà Việt đã đưa hối lộ cho Công ty Việt Á.

Đối với các tài sản là số tiền trong tài khoản; trong các sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các thửa đất của vợ chồng Phan Quốc Việt đang bị tạm giữ, kê biên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét nếu tài sản nào không thuộc diện phải kê biên để đảm bảo thi hành án thì trả lại cho bị cáo vì số tiền bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của Công ty Việt Á.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh mà Phan Quốc Việt phạm tội trong điều kiện cấp thiết, trong một hoàn cảnh đặc biệt khi Công ty Việt Á tham gia chống dịch Covid-19 và Việt Á có nhiều đóng góp cho công cuộc chống dịch của cả nước và của các địa phương. Đồng thời, áp dụng cho Việt được hưởng các tình tiết giảm nhẹ để xem xét áp dụng một hình phạt thấp nhất, thể hiện đầy đủ tính giáo dục; tính khoan hồng, tính nhân đạo, tính nhân văn.

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng Phan Quốc Việt đóng vai trò chủ mưu, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức. Bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, theo VKS, bị cáo đã khai báo thành khẩn, nộp 200 triệu đồng và có đơn đề nghị được dùng tài sản bị phong tỏa để khắc phục hậu quả. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình đối với bị cáo Việt.