Vụ Việt Á: Phan Quốc Việt lý giải thế nào về khối tài sản “khủng” bị phong tỏa, kê biên?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay (5-1), phiên tòa xét xử Phan Quốc Việt (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cùng 37 bị cáo, trong đó có 2 cựu Bộ trưởng tiếp diễn phần thẩm vấn của Viện kiểm sát và các luật sư. Ngay trước đó, những người liên quan và thân nhân các bị cáo cũng được tòa cho bày tỏ mong muốn, nguyện vọng.

Tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Hồ Thị Thanh Thuỷ (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Công ty Việt Á đã tự nghiên cứu về test xét nghiệm.

Đầu năm 2020, khi Việt nói về việc được phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm bà Thuỷ có biết nhưng không trực tiếp làm việc. “Tất cả đều trao đổi thông qua điện thoại với chồng của tôi” - bà Thuỷ nói.

"Ông chủ" Việt Á Phan Quóc Việt trả lời HĐXX về khối tài sản "kếch xù".

"Ông chủ" Việt Á Phan Quóc Việt trả lời HĐXX về khối tài sản "kếch xù".

Về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án, bà Thuỷ cho biết, sau khi bị bắt, Việt đã uỷ quyền cho vợ điều hành Công ty Việt Á. Nhưng bà chỉ là người làm nghiên cứu, chỉ biết cung cấp những thông tin có được và đã ủy quyền cho nhân viên pháp chế đại diện Việt Á ra tòa.

Với tư cách cá nhân, bà Thủy chỉ đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ cho chồng và các bị cáo liên quan vì đã góp công sức chống dịch. Bản thân bà và công ty sẽ cố gắng khắc phục trên tinh thần “hết sức có thể”.

Sau đó, HĐXX xét hỏi bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm, Tổng giám Công ty Việt Á) về các tài sản bị kê biên, phong tỏa. “Ông chủ” Việt Á nói không nhớ hết các tài sản. Tuy nhiên, khi được HĐXX nhắc nhở thì Việt xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên bị cáo với tổng số tiền hơn 320 tỉ đồng bị phong toả.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phong toả 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỉ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này (2 sổ này trị giá 20 tỉ đồng).

Các sổ tiết kiệm đứng tên mẹ là do bị cáo Việt trả nợ. “Ông chủ” Việt Á nói rằng trong 15 năm Công ty Việt Á làm ăn, nhiều lần bị cáo phải vay tiền gia đình, phải nhờ gia đình trợ giúp, bản thân không đủ lực.

Đối với số tiền trong 2 sổ tiết kiệm của con, Phan Quốc Việt thừa nhận đây là tiền của mình. Số tiền này Việt có được từ nhiều hoạt động khác nhau.

HĐXX truy vấn bị cáo: “Cơ sở nào để xác định số tiền142 tỉ là của mẹ bị cáo?”. Bị cáo Việt trả lời: “Trong suốt quá trình hoạt động 15 năm của công ty, bị cáo phải nhờ người nhà giúp đỡ”.

Toà hỏi: Mẹ bị cáo lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để cho bị cáo vay? “Có thể từ vay bạn bè” – Phan Quốc Việt nói. Sau đó, HĐXX cho biết, việc vay bạn bè phải có giấy tờ chứng minh, bởi "bây giờ bố con còn không tin nhau".

Để làm rõ số tiền hơn 140 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Phan Quốc Việt, HĐXX triệu tập bà Tr. (mẹ Việt), nhưng một người có mặt tại phiên toà cho biết, mẹ bị cáo Việt sẽ có mặt tại tòa sau do nhận được giấy triệu tập muộn.

Đối với những tài sản bị kê biên, phong toả để phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả vụ án, Phan Quốc Việt cho biết, bản thân sẽ khắc phục bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên.

Tại phiên tòa, HĐXX yêu cầu những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nêu mong muốn để được xem xét.

Bà K.O., vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN) cho biết, chồng bà đã nhận thức được sai phạm và gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án và còn nộp thêm 50 triệu đồng nên mong muốn HĐXX xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hùng.

Ngoài ra, bà O. mong muốn được gỡ bỏ phong toả 8 sổ tiết kiệm của 2 vợ chồng do đang phải nuôi 2 con học đại học và mẹ chồng tuổi cao.

Theo bà Nguyễn Thị M.P. (vợ cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh), gia đình đã nộp khắc phục hậu quả vụ án cho cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN nên mong muốn HĐXX giải toả 2 bất động sản đã bị kê biên và tài khoản ở ngân hàng.

Vợ bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) thì cho hay, số tiền thực tế mà chồng bà phải nộp là 4,6 tỷ đồng nhưng gia đình đã nộp 4,9 tỷ đồng (thừa 300 triệu đồng) nên mong muốn được lấy số tiền thừa.

Ngoài ra, người thân, người đại diện của nhiều bị cáo khác cũng bày tỏ mong muốn được giải toả các tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, giao dịch bất động sản... bị phong toả trong quá trình điều tra.