Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhóm cán bộ Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại hơn 677.280 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc đã thâu tóm Ngân hàng SCB và sử dụng ngân hàng này như một công cụ để rút tiền phục vụ mục đích cá nhân. Đáng nói là bà chủ Vạn Thịnh Phát được hàng loạt cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM “tiếp tay”…

Theo cáo trạng truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can liên quan, các sai phạm trong hoạt động của Ngân hàng SCB diễn ra từ năm 2012 đến năm 2022 với thiệt hại hàng trăm nghìn tỉ đồng. Trong suốt thời gian dài, các sai phạm này của SCB bị nhóm cán bộ tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM “lờ” đi.

Cụ thể, hoạt động giám sát đối với Ngân hàng SCB được thực hiện theo các quy định, quy chế giám sát tăng cường của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Theo đó, NHNN chi nhánh TP. HCM có các quyết định thành lập 4 tổ giám sát tại Ngân hàng SCB.

Thiệt hại tại Ngân hàng SCB có sự "tiếp tay" của các cựu cán bộ NHNN chi nhánh TP. HCM.

Thiệt hại tại Ngân hàng SCB có sự "tiếp tay" của các cựu cán bộ NHNN chi nhánh TP. HCM.

Trong quá trình giám sát Ngân hàng SCB, từ năm 2016 đến tháng 9-2022, Tổ giám sát NHNN chi nhánh TP. HCM đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB và đưa tổ chức tín dụng này vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, các đề xuất của Tổ giám sát không được lãnh đạo Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP. HCM (cơ quan được NHNN giao chủ trì công tác thanh tra, giám sát) chấp thuận. NHNN chi nhánh TP. HCM chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất năm 2020 và năm 2022 và phạm vi thanh tra bị thu hẹp, không đúng với đề xuất của Tổ giám sát cũng như ý kiến chỉ đạo của NHNN.

Mặt khác, các bị can Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM), Võ Văn Thuần (cựu Phó cục trưởng Cục II), Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan (cùng là cựu Phó chánh Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP. HCM) và Nguyễn Tín (Tổ trưởng Tổ giám sát NHNN chi nhánh TP. HCM) đã có hành vi ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB lên NHNN và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) của NHNN.

Những cá nhân này không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, không kiến nghị Cơ quan TTGSNH thanh tra Ngân hàng SCB để kịp thời xử lý các sai phạm. Khi thanh tra thì các bị can này thu hẹp phạm vi thanh tra, không đúng với đề xuất của Tổ giám sát và cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của NHNN.

Quá trình thực hiện, chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát với Ngân hàng SCB, các bị can thuộc NHNN chi nhánh TP. HCM nêu trên đã nhận tiền, quà từ nhóm bị can thuộc Ngân hàng SCB.

Hậu quả hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại NHNN chi nhánh TP. HCM và Tổ giám sát đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hành vi cho vay lũy tiến từng năm. Từ đó bị can Lan rút tiền sử dụng cá nhân hoặc trả nợ các khoản vay trước đó, che giấu thực trạng hoạt động tín dụng xấu của SCB.

Theo Viện KSND Tối cao, thiệt hại từ hành vi của nhóm bị can thuộc NHNN chi nhánh TP. HCM là đặc biệt lớn, tính đến ngày 17-10-2022 là 677.286 tỉ đồng. Trong đó, bị can Nguyễn Văn Dũng là người phụ trách công tác thanh tra, giám sát, góp phần gây thiệt hại với dư nợ 606.460 tỉ đồng.

Tiếp đến, bị can Võ Văn Thuần gây thiệt hại cho SCB với dư nợ 384.401 tỉ đồng. Bị can Phan Tấn Trung gây thiệt hại với dư nợ 216.225 tỉ đồng. Bị can Nguyễn Thị Phi Loan gây thiệt hại với dư nợ 605.356 tỉ đồng và bị can Nguyễn Tín gây thiệt hại với dư nợ 227.932 tỉ đồng.

Viện KSND Tối cao xác định, hành vi của 5 bị can thuộc NHNN chi nhánh TP. HCM nêu trên đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đồng thời đề nghị cơ quan xét xử xem xét, quy trách nhiệm về tội danh này.