Cơ quan CSĐT- CATP Hà Nội ra quyết định tạm giữ 5 người gồm Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi), Ngô Văn Dương (30 tuổi), Nguyễn Đức Thành (32 tuổi), Nguyễn Thế Trung (30 tuổi), Nguyễn Thế Quân (30 tuổi) về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Trước đó, vào tháng 11-2024, khi biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức), Phạm Ngọc Tuấn đã nhờ Ngô Văn Dương mua hồ sơ đấu giá.
Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Phạm Ngọc Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với Nguyễn Thị Quỳnh Liên (43 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân và Ngô Văn Dương cùng tham gia đấu giá và bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá.
|
Các đối tượng liên quan trong vụ đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội |
Trong phiên đấu giá ngày 29-11, nhóm này đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm; thậm chí Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm) khiến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.
Hiện cơ quan công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, bị can, xử lý nghiêm theo quy định.
Về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 218 BLHS 2015, người vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi sau nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng trở lên:
Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Trong các trường hợp này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên; Phạm tội 2 lần trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, việc thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong bán đấu giá có thể diễn ra giữa những người cũng tham gia đấu giá với nhau; giữa người bán tài sản đấu giá với người tham gia đấu giá hoặc giữa người tham gia đấu giá với người, tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hậu quả thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng trở lên xảy ra.
Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.