- Vụ chạy thận tại Hòa Bình: Bị cáo nguyên giám đốc bệnh viện nói kiện sở nội vụ
- Vụ chạy thận tại Hòa Bình: Nguyên giám đốc bệnh viện nhận trách nhiệm đứng đầu
- Vụ chạy thận tại Hòa Bình: Chú ruột nói Hoàng Công Lương có kinh nghiệm nhất
Bác bỏ thông tin vụ án có dấu hiệu bị đầu độc
Trước đó (sáng 19-1), tại phần xét hỏi, luật sư Phạm Quạng Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) bất ngờ cho rằng 9 nạn nhân tử vong có dấu hiệu bị đầu độc, đồng thời đề nghị HĐXX cho được cung cấp chứng cứ mới. Luật sư Hưng cũng đề nghị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng chứng cứ mới mà ông đưa ra.
Tuy nhiên đầu giờ sáng 21-1 (ngày xét xử 7 vụ án), Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh đã công bố kết luận của HĐXX sơ thẩm về những vấn đề liên quan đến chứng cứ mới mà luật sư Phạm Quang Hưng nêu và cung cấp tại tòa án.
Theo đó, vị chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX đã nhận được yêu cầu của luật sư Hưng về việc cung cấp chứng cứ mới cho rằng có việc đầu độc, nguyên nhân khác dẫn đến sự cố ngày 29-5-2017, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Bị cáo Trương Quý Dương - cựu Giám đốc BV Hòa Bình đến hầu tòa
Cũng theo vị thẩm phán điều khiển phiên tòa, sau khi thảo luận, HĐXX đã tiếp nhận tài liệu và có đại diện VKS chứng kiến. Tuy nhiên, luật sư đã không cung cấp được chứng cứ gì mà chỉ có bản đề nghị xem xét thêm căn cứ về nguyên nhân tồn dư axit dẫn đến sự cố là do tác nhân khác.
“Hoàn toàn không có chứng cứ gì mới, các tài liệu mà luật sư cung cấp đã có trong hồ sơ vụ án” - Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh khẳng định.
Tiếp đó, bà Bùi Thị Thu Hằng (đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa) cho biết, VKS xác định luật sư Phạm Quang Hưng không có chứng cứ mà chỉ có bản đề nghị xem xét lại vụ án theo hướng điều tra khác. VKS thấy rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân.
“Việc làm của luật sư Hưng gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc và có hình thức xử lý đối với luật sư Hưng”, nữ KSV phát biểu.
Tại tòa, luật sư Phạm Quang Hưng vẫn tiếp tục quả quyết, tài liệu mà vị luật sư này cung cấp là chứng cứ mới. “Tôi vẫn khẳng định việc đưa ra chứng cứ của tôi, đó là chứng cứ mới” – người bào chữa cho Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn bày tỏ quan điểm.
Tái khẳng định những gì luật sư Hưng nêu và cung cấp không phải là chứng cứ mới, vị chủ tọa sau đó ngắt lời người bào chữa, rồi kết luận”: “HĐXX đã thảo luận, thấy các tài liệu, chứng cứ mà luật sư nói đều đã có trong hồ sơ vụ án và không phải là chứng cứ”.
“Việc này ảnh hưởng lớn đến nhận thức, suy diễn của những người không hiểu biết, làm ảnh hưởng đến dư luận nói chung. Đề nghị các luật sư khi phát ngôn cần rõ ràng, tránh mập mờ”, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở chung.
Phiên tòa sau đó tiếp tục diễn ra với phần hỏi của các luật sư đối với nhóm điều dưỡng viên và bác sĩ Đơn nguyên thận BV Hòa Bình có mặt tại tòa.
Hoàng Công Lương chủ quan khi ra y lệnh
Sau 7 ngày thẩm vấn các bị cáo cùng hàng loạt nhân chứng, người liên quan, cuối giờ làm việc hôm nay, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hòa Bình lần lượt áp dụng các mức hình đối với từng bị cáo.
Bị cáo Hoàng Công Lương bị VKS xác định là chủ quan khi ra y lệnh chạy thận
Cụ thể, với tội “Vô ý làm chết người”, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) bị đề nghị xử phạt từ 4 năm tù đến 5 năm tù và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị áp dụng từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.
Với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Trần Văn Sơn (SN 1990, trú ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị xử phạt từ 42 tháng tù đến 48 tháng tù; Trần Văn Thắng (SN 1965, cũng trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị xử phạt từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.
Tiếp đến, Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) – nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình bị đề nghị xử phạt từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù; Trương Qúy Dương (SN 1962) - nguyên Giám đốc BV Hòa Bình bị đề nghị áp dụng từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn bị đề nghị áp dụng từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.
Về hành vi phạm tội của Trần Công Lương, VKS nhìn nhận bị cáo này là bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành hồi sức cấp cứu, là bác sĩ điều trị chuyên môn cho 18 bệnh nhân tại Đơn nguyên thận, được cấp chứng chỉ hành nghề và được đào tạo cơ bản kỹ thuật lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Y lệnh lọc máu của 2 bác sĩ Linh và Huyền phải được Hoàng Công Lương ký xác nhận mới có giá trị thực hiện. Tại thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Linh chưa có chứng chỉ hành nghề, trong khi Luật Khám chữa bệnh nghiêm cấm việc khám chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ này.
Tương tự, bác sĩ Huyền có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn gồm khám chữa bệnh nội khoa nhưng chưa được Sở Y tế Hòa Bình phê duyệt đăng ký hành nghề. Do đó, Hoàng Công Lương có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh độc lập. Hai bác sĩ Linh và Huyền chưa đủ điều kiện tương đương.
Việc bị cáo Lương ký bên cạnh chữ ký của các bác sĩ khác để xác nhận việc khám và ra y lệnh, theo quy chế bệnh viện, y lệnh và việc ký xác nhận ra y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định để kết nối chạy máy lọc thận cho các bệnh nhân.
Quá trình điều tra bổ sung, bác sĩ Linh và Huyền đều khai, ngày 29-5-2017, sau khi thăm khám cho bệnh nhân 2 người này chuyển bệnh án cho bác sĩ Lương xem xét. Lương là người ra y lệnh cuối cùng để bệnh nhân được lọc máu. Qua lời khai của Hoàng Đình Khiếu và những cán bộ khác tại Đơn nguyên thận, Hoàng Công Lương được phân công và thực hiện nhiệm vụ phụ trách chuyên môn điều trị tại Đơn nguyên này.
Cũng theo KSV, bị cáo Lương phải biết tầm quan trọng của chất lượng nước dùng cho chạy thận. Sau tẩy rửa màng RO và đường ống thì phải có việc xét nghiệm hóa chất tồn dư. Đó là điều kiện đảm bảo chất lượng nước..
Trên cơ sở đó, đại diện cơ quan truy tố kết luận bị cáo Hoàng Công Lương đã không kiểm tra việc xét nghiệm nguồn nước mà chủ quan ra y lệnh chạy thận, dẫn đến sự cố và khiến 9 người tử vong. Hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.