Vụ phóng tên lửa Bulava chứa đựng thông điệp cứng rắn Nga gửi phương Tây

ANTD.VN - Tên lửa Bulava đang trở thành công cụ của nước Nha gây áp lực mạnh tới phương Tây và đối thủ sẽ phải để ý thật kỹ thông điệp của họ.

Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Bulava gần đây của Nga rõ ràng là một thông điệp của nước này gửi tới các quốc gia phương Tây. Kết luận như vậy đã được trình bày bởi nhà báo người Đức Julia Koch.

Hải quân Liên bang Nga mới đây đã phóng thử tên lửa đạn đạo R-30 Bulava đánh trúng mục tiêu ở bán đảo Kamchatka. Vụ phóng ICBM được thực hiện từ Biển Trắng bằng tàu ngầm hạt nhân mới nhất lớp Borey mang tên Generalissimo Suvorov.

Theo nhà báo Julia Koch, sự kiện vừa qua nên được hiểu là một tín hiệu từ Nga, gửi tới các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhận định được đưa ra trong bài phân tích đăng trên tờ Der Spiegel.

“Vụ thử rất có thể là một hành động biểu dương sức mạnh của Nga, một thông điệp cứng rắn gửi đến các quốc gia phương Tây,” tác giả của bài viết trên tờ báo Đức tin tưởng.

Nhà phân tích của tờ Spiegel nhận định rằng, theo quan điểm của Ukraine và các nước phương Tây, sự kiện thử nghiệm tên lửa Bulava và tàu ngầm mới của Hải quân Nga không có tầm quan trọng chiến lược.

Tuy nhiên rõ ràng hành động vừa qua là một minh chứng rất tốt cho sức mạnh của kho vũ khí chiến lược mà Liên bang Nga sở hữu và những đối thủ của họ không nên có quan điểm xem nhẹ hay coi thường.

Các tàu ngầm hạt nhân đóng vai trò là bệ phóng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên biển, chúng đảm bảo cái gọi là khả năng đánh trúng đối thủ ngay cả khi đối phương tiến hành vụ tấn công trước.

Sự hiện diện của những chiếc tàu ngầm như vậy đảm bảo rằng đối thủ chắc chắn sẽ phải nhận thành động đáp trả. Thực tế là vị trí của tàu ngầm chiến lược cực kỳ khó xác định và trong mọi trường hợp, chúng sẽ có cơ hội trừng phạt đối thủ.

"Các tàu lớp Borey đại diện cho thế hệ tàu ngầm hạt nhân chiến lược thứ tư của Hải quân Nga. Vũ khí chính của những chiến hạm loại này là 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava, mỗi tên lửa có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân", tờ Der Spiegel nói rõ.

Phương Tây tin rằng sự kiện vừa qua là một tín hiệu chính trị đối với Mỹ và các đồng minh NATO. Tổng thống Putin đã phát tín hiệu bằng Bulava cho các đối thủ địa chính trị của mình, đó là đất nước của ông có đủ năng lực để đối phó với mọi sự uy hiếp quân sự.

Nhà khoa học chính trị người Đức Johannes Peters trong cuộc trả lời phỏng vấn thậm chí còn nói: “Sự phô trương vũ lực của Nga có thể liên quan đến cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ diễn ra vào ngày 8/11/2022 tới đây".

Tuy nhiên bên cạnh đó, việc Nga phóng tên lửa Bulava cũng nhận được ý kiến trái chiều, khi một số chuyên gia quân sự cho rằng hành động trên chẳng giải quyết được gì mà còn gây bất lợi cho chính Moskva.

Các chính trị gia Mỹ và phương Tây sẽ có cơ hội để minh chứng rõ ràng hơn khi tuyên truyền "mối đe dọa từ Moskva", từ đó thi hành những chính sách ngày càng khắc nghiệt đối với Điện Kremlin.

Hơn nữa, tên lửa Bulava của Nga hiện vẫn bị xem là chưa hoàn thiện 100%, nó vẫn cần thêm một số chỉnh sửa tiếp theo khi có tỷ lệ phóng thử thành công trên thất bại vẫn còn khá lớn.