Vũ khí hạt nhân Mỹ nếu xuất hiện tại Ba Lan sẽ dẫn tới đáp trả cực mạnh từ Nga

ANTD.VN - Vũ khí hạt nhân Mỹ nếu xuất hiện tại Ba Lan được xem như một “lằn ranh đỏ” khác, sẽ dẫn tới sự đáp trả mạnh mẽ từ phía Nga.

Vũ khí hạt nhân Mỹ xuất hiện tại Ba Lan là một trong những kịch bản được Warsaw đưa ra trong trường hợp nổ ra cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Nga và Ukraine, như một động thái ngăn ngừa nguy cơ.

Cần nhắc lại trong những năm qua, Ba Lan đã có nhiều bước đi nhằm "giảm thiểu khả năng hứng chịu cuộc tấn công từ Nga" thông qua liên kết quân sự với Mỹ.

Năm 2017, Ba Lan đã nhận được tên lửa hành trình phóng từ trên không JASSM và JASSM-ER từ Mỹ, giá trị hợp đồng là 213,5 triệu USD. Phạm vi bay của AGM-158A JASSM là 370 km, và ở phiên bản nâng cấp AGM-158B JASSM-ER lên tới 1.000 km, thậm chí có thể hơn.

Phương tiện mang loại tên lửa này chính là tiêm kích F-16 đóng tại các sân bay ở Poznan và Laska. JASSM-ER đủ sức tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, kể cả cố định và cơ động, trong bất kỳ thời tiết nào và thời điểm nào trong ngày.

Tính đến phạm vi bay, khu vực Kaliningrad và Belarus, tất cả các con đường tới Minsk, đều nằm trong tầm bắn của tên lửa AGM-158A/B phóng từ tiêm kích F-16 của Ba Lan.

Mục tiêu tiềm tàng của chúng theo nhận xét có thể là hệ thống tên lửa Iskander-M, tổ hợp phòng không S-400, sân bay quân sự, kho đạn, sở chỉ huy, cầu, căn cứ hải quân...

Nhưng không chỉ có vậy, từ quan điểm vì lợi ích quốc gia của Nga, việc Warsaw hợp tác với Washington trong việc triển khai vũ khí hạt nhân dường như nguy hiểm hơn nhiều.

Khi câu hỏi đặt ra về việc rút kho vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi Đức, có ý kiến nhận định số bom và đầu đạn nguyên tử có thể được chuyển giao cho Ba Lan. Điều này đã được Đại sứ Mỹ tại Warsaw - ông Georgette Mosbacher tuyên bố công khai:

"Nếu Đức muốn giảm tiềm năng hạt nhân và làm suy yếu NATO thì có lẽ Ba Lan, quốc gia đóng góp hết sức mình và hiểu rõ những rủi ro và nằm ở sườn phía Đông của NATO sẽ là nơi chứa vũ khí".

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki không loại trừ việc triển khai tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên điều này sẽ vi phạm thỏa thuận NATO - Nga năm 1997, cho nên Tổng thống Andrzej Duda không ủng hộ ý tưởng đó.

Mặc dù vậy, các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis "lưỡng dụng" vẫn được triển khai ở Ba Lan. Những tên lửa đánh chặn hoàn toàn có thể được thay thế nhanh chóng bằng tên lửa hành trình Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng đó chưa phải tất cả.

Có thông tin cho biết Warsaw quan tâm đến việc mua tiêm kích Rafale từ Pháp, phương tiện này có thể mang tên lửa hạt nhân phóng từ trên không ASMP-A với tầm bay 500 km, tốc độ 3.000 km/h và lắp đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ 100 đến 300 kT.

Nếu thỏa thuận trên diễn ra thì Ba Lan sẽ cần những lý do rất nghiêm túc để thuyết phục Paris và Brussels về sự cần thiết phải triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của NATO trên lãnh thổ của họ. Lời biện minh duy nhất chỉ có thể là "mối đe dọa Nga - Belarus".

Không cần phải nói, viễn cảnh về sự xuất hiện vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc Pháp ở khu vực lân cận Kaliningrad chắc chắn sẽ dẫn đến các bước trả đũa cứng rắn từ Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Quân đội nước này sẽ phải "đào sâu" vào Belarus: tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa bằng cách triển khai hệ thống phòng không S-400, tên lửa đạn đạo Iskander-M, cũng như tiêm kích đánh chặn MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal.

Không loại trừ khả năng trong tương lai, Moskva sẽ đưa ra phản ứng đối xứng với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương về việc "phi hạt nhân hóa" Đông Âu, tức là vũ khí hạt nhân của Nga cũng sẽ xuất hiện tại Belarus và cả vùng lãnh thổ Kaliningrad.