- Giải pháp nào "cứu" ngư dân tiên phong bám biển sản xuất nhưng đang "ôm" nợ xấu?
- Bộ trưởng Nông nghiệp: 5,7 triệu con lợn chết vì dịch tả châu Phi
- Thu hồi toàn bộ ô tô nhập khẩu trong phần mềm định vị có "đường lưỡi bò"
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công thương Tuấn Anh cuối phiên chất vấn chiều 6-11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng các phần trả lời trước đó của Bộ trưởng Công Thương chưa chỉ ra được lỗ hổng lớn về pháp lý, nhất là thiếu quy định thế nào là hàng "made in Vietnam". Chính sự thiếu minh bạch này khiến doanh nghiệp như Asanzo không biết mình có vi phạm hay không, đẩy người dân, doanh nghiệp vào thế rủi ro.
"Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam "chết" ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra và giải pháp là gì", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (trái) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về gian lận xuất xứ hàng hóa
Cam kết kiên quyết xử lý gian lận thương mại
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này hiện có, cho biết đây là các văn bản liên quan đến điều chỉnh thương mại trong nước và quốc tế.
Đối với Luật Quản lý ngoại thương và Luật Cạnh tranh, Bộ trưởng Công thương cho biết nhằm thực thi chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Công thương đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật Quản ý ngoại thương, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.
Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác và xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tự kê khai nguồn gốc xuất xứ.
"Đã có những hành vi gian lận thương mại và xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, điển hình như vụ Khải Silk trước kia và mới đây là câu chuyện của Asanzo", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết Bộ Công thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất, lưu thông trong nước.
Tuy nhiên, đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một thông tư mở. Sau gần 1 năm xây dựng, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất, lưu thông trong nước, hiện đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.
"Qua 2 vòng lấy ý kiến, các đóng góp rất đa dạng. Nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng phạm vi điều chỉnh cần cụ thể hơn để tránh ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta, tránh việc các tổ chức nước ngoài căn cứ vào cái này siết chặt hơn nữa trong chứng nhận ưu đãi của hàng Việt Nam xuất đi nước ngoài", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin và cam kết trước Quốc hội rằng sẽ "làm kiên quyết, dứt điểm" vấn đề này.
Vì sao Việt Nam chưa thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) chất vấn mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì sao chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất, xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ công nghệ trong công nghiệp hóa.
Thứ hai, nước ta chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất, nên môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí… chưa có điều kiện phát triển đặc biệt.
Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội còn hạn chế, điển hình như đào tạo nguồn nhân lực, rất ít sinh viên tham gia nghiên cứu và được đào tạo về công nghệ trong sản xuất.
Thứ ba, công nghiệp hóa đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao, do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nước ta cũng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này.
"Nguyên nhân chủ quan đến từ công tác quản lý Nhà nước, trong đó có sự thiếu đồng bộ của các Bộ, ngành và tâm lý thụ động của các doanh nghiệp", Bộ trưởng Công thương thừa nhận và cho biết, tuỳ lĩnh vực và ngành sản xuất có đặc thù, tính chất khác nhau, chúng ta phải làm thế nào tạo ra giá trị gia tăng thực sự bền vững và đạt yêu cầu.