Vụ hàng chục ô tô ở Linh Đàm nghi bị chọc thủng lốp: Kẻ hủy hoại tài sản sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về thông tin một số ôtô đỗ ở vỉa hè tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội nghi bị chọc thủng lốp, theo các luật sư, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trước đó, mạng xã hội chia sẻ bài viết cùng hình ảnh hàng chục xe ôtô cùng đỗ trên vỉa hè ở đoạn đường phố Nguyễn Phan Chánh, cạnh Hồ Linh Đàm bị xịt lốp, nghi do bị đâm thủng.

Ngoài những xe đỗ ở vỉa hè, một số xe đỗ dưới lòng đường quanh khu vực này cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hiện lực lượng chức năng đang xác minh, làm rõ vụ việc.

Hiện tượng trên không phải hiếm gặp. Cách đây không, gần 40 ô tô ở khu chung cư ở đường Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị kẻ lạ chọc thủng lốp trong đêm. Được biết, số tiền để khắc phục hậu quả với mỗi xe lên tới tiền triệu.

Nhiều xe ô tô đỗ ở vỉa hè tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai bị xịt lốp

Nhiều xe ô tô đỗ ở vỉa hè tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai bị xịt lốp

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, nếu có đủ căn cứ cho rằng, có đối tượng đã cố tình chọc thủng lốp xe ô tô của nhiều người khác đang dừng đỗ ở khu vực công cộng thì đây là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Căn cứ vào mức độ, hậu quả của hành vi, người cố tình đâm thủng lốp xe ô tô, phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hậu quả do hành vi của mình gây ra và có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Về xử lý hành chính, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng được áp dụng đối với một trong những hành vi: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu…

Về trách nhiệm dân sự, Điều 584, 585 BLDS 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

Cũng theo luật sư Thu, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Điều 178 BLHS 2015 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2- 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng; Để che giấu tội phạm khác… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội gây thiệt hại tài sản trị giá từ 200- dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm - luật sư Thu nhấn mạnh.