Vụ Gang thép Thái Nguyên: Tòa đề nghị bị cáo hợp tác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bị cáo Đỗ Xuân Hoà cho rằng luật sư cần phải có mặt để bảo vệ quyền lợi cho mình. Vừa giải thích về kháng cáo của bị cáo này, Toà án còn liên tục đề nghị bị cáo hợp tác.

Giữ nguyên các kháng cáo xin giảm nhẹ

Sáng nay (9/11), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của dàn nguyên lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), trong vụ gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.

Các bị cáo có kháng cáo gồm: Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO); Đặng Văn Tập - nguyên Phó giám đốc BQL dự án TISCO; Đồng Quang Dương - nguyên Phó giám đốc, kiêm Thư ký dự án TISCO; Đỗ Xuân Hòa - nguyên Kế toán trưởng TISCO; Uông Sỹ Bính - nguyên Phó trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính TISCO.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Tiếp đến là Lê Thị Tuyết Lan - nguyên Phó trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính TISCO; Đậu Văn Hùng - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS); Nguyễn Trọng Khôi - nguyên Phó tổng giám đốc VNS; Nguyễn Văn Tráng - nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS; Nguyễn Chí Dũng - nguyên thành viên HĐQT VNS; Hoàng Ngọc Diệp - nguyên thành viên HĐQT VNS; Đoàn Thu Trang - nguyên thành viên HĐQT VNS.

Các bị cáo nêu trên bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo trong vụ án có kháng cáo chủ yếu với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự và xin miễn trách nhiệm dân sự, án phí.

Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên Trần Trọng Mừng và các bị cáo liên quan giữ nguyên nội dung kháng cáo như trong đơn.

Cụ thể, bị cáo Trần Trọng Mừng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự; bị cáo Đặng Văn Tập kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, miễn bồi thường dân sự, miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Đồng Quang Dương kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường hoặc miễn trách nhiệm bồi thường dân sự. Tương tự, bị cáo Nguyễn Trọng Khôi kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo, đồng thời giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự...

Tham dự phiên tòa phúc thẩm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tham dự với tư cách nguyên đơn dân sự và tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Tổng công ty Thép Việt Nam.

Trước đó, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Mừng 9 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 5 bị cáo bị tuyên phạt về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhận mức án từ 18 tháng tù treo đến 2 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm đến 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nguyên Kế toán trưởng TICO xin hoãn toà

Đáng chú ý, tại phần thủ tục phiên xét xử, HĐXX thông báo luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Xuân Hoà vắng mặt, phải cách ly y tế do liên quan đến ca F0 Covid-19. Được hỏi về vấn đề này, nguyên Kế toán trưởng TISCO cho rằng luật sư cần thiết phải có mặt tại phiên toà để bảo vệ quyền lợi cho ông ta. Từ đó, bị cáo Hoà đề nghị hoãn phiên toà.

Bị cáo Đỗ Xuân Hoà - nguyên Kế toán trưởng TICO.

Bị cáo Đỗ Xuân Hoà - nguyên Kế toán trưởng TICO.

Bày tỏ quan điểm về đề nghị của bị cáo Hòa, đại diện VKS cho rằng, luật sư của bị cáo có thể gửi bản bào chữa đến tòa hoặc thực hiện bào chữa trực tuyến cho bị cáo. Tuy nhiên, cựu Kế toán trưởng TISCO không đồng ý với đề nghị này của phía VKS.

Trước thái độ của bị cáo, một vị thẩm phán trong HĐXX lên tiếng đề nghị bị cáo hỗ trợ, tạo điều kiện để phiên tòa được tiếp tục. Bởi để mở được phiên tòa này mất rất nhiều công sức khi nhiều luật sư từ TP HCM ra Hà Nội dự tòa đã phải cách ly nhiều ngày mới có thể có mặt tại phiên xử. Hơn nữa, bị cáo không kêu oan, chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ tội, miễn trách nhiệm dân sự... nên vị thẩm phán đề nghị bị cáo hợp tác để phiên tòa được tiếp tục.

Về phần mình, bị cáo Hòa tiếp tục mong được hoãn tòa để quyền và lợi ích của mình được đảm bảo tuyệt đối. “Mong HĐXX đảm bảo quyền và lợi ích của tôi”, bị cáo trình bày. Đại diện VKS đề nghị HĐXX cho tạm dừng phiên tòa để bị cáo được suy nghĩ 30 phút và đề nghị này được HĐXX chấp nhận.

Sau 30 phút suy nghĩ, bị cáo Đỗ Xuân Hòa trình bày, vì bị cáo chỉ có 1 luật sư bào chữa nên việc vắng mặt của luật sư khiến bị cáo rất thiệt thòi. Tuy nhiên, bị cáo cũng chia sẻ với tòa, chấp nhận để luật sư gửi bản bào chữa tới tòa.

Trong trường hợp luật sư có thể đến tòa, mong HĐXX bố trí cho luật sư của bị cáo được trình bày phần bào chữa nhưng đảm bảo giãn cách. “Việc vắng mặt luật sư là thiệt thòi cho bị cáo, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo” – nguyên Kế toán trưởng TICO khẩn khoản.

Theo tóm tắt bản án sơ thẩm, Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS).

Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói (EPC) hơn 160 triệu USD. Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Trong đó, bị cáo Trần Trọng Mừng không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án. Hành vi của bị cáo khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng.

Bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNS) có các hành vi sai phạm khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng khiến dự án phải dừng thi công.

Theo toà cấp sơ thẩm, 2 bị cáo đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C, tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 theo hình thức hợp đồng theo đơn giá…, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện Hợp đồng trên, chấp thuận không có căn cứ VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01, trong khi VINAINCON không đủ năng lực.