Vũ điệu tranh lá

ANTĐ - Một vẻ đẹp rất Việt Nam hiện lên qua sắc màu trầm của lá là điểm độc đáo và hấp dẫn người xem khi đến với những tác phẩm tranh lá của họa sỹ trẻ Lê Đắc Trung. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật tranh lá Nhật Bản, anh đã tạo nên những tác phẩm thuần Việt dựa vào đôi bàn tay khéo léo và biến những chiếc lá vô tri vô giác trở nên có nghĩa với đời.

Tranh lá sống động và đầy sức hấp dẫn với người xem

Phiêu cùng lá

Được bắt nguồn từ tranh lá Nhật Bản rực rỡ màu sắc, nhưng tranh lá của Lê Đắc Trung lại mang sắc cảm trầm ấm và hồn hậu đậm chất Việt. Sắc màu của lá được giữ nguyên vẹn, không nhuộm để giữ lại những gì tinh túy nhất của thiên nhiên. Trung thành với màu sắc thiên nhiên khiến việc sáng tác của anh gặp không ít trở ngại, đó là vừa phải tạo nên những bức tranh không đơn điệu, hấp dẫn người xem nhưng không bị lẫn với các dòng tranh lá khác trên thế giới. Anh đã tìm ra hướng đi có thể khắc phục được những nhược điểm của việc hạn chế nhuộm màu sắc cho lá. Đó là tạo nên những tác phẩm rất đỗi thân thuộc về một Việt Nam với những gam màu trầm bình dị nhất. Đó còn là bởi, Lê Đắc Trung lớn lên tại cái nôi của văn hóa Kinh Bắc, sinh sống và làm việc tại Hà Nội từ khi còn là một nghệ sỹ trẻ tuổi, những hình ảnh cây đa bến nước sân đình, những mái phố rêu phong, những mặt hồ sương giăng… từ lâu ở trong anh như một phần ký ức không thể thiếu. 

Tìm ra hướng đi là thế, song kỹ thuật thể hiện lá trên tranh đòi hỏi người họa sỹ phải có tay nghề cao và dày công thực hiện. Những chiếc lá sau khi được xử lý qua kỹ thuật chỉ còn trơ lại xương lá và trở nên trong suốt, có khi còn sót lại một chút màu xanh nhè nhẹ. Để thể hiện chiếc váy của người con gái dân tộc nhiều màu sắc, anh lựa từng chiếc lá có màu sắc khác nhau, độ dài rộng thích hợp rồi bắt đầu với những nhát kéo đầu tiên, dán chúng lên tranh, chồng chiếc lá này lên chiếc lá khác để cho ra màu sắc ưng ý. Cứ vậy, tỉ mỉ đến từng chi tiết, chiếc váy dần hiện ra trước mắt trong niềm thích thú của người làm công việc sáng tạo. Họa sỹ Lê Đắc Trung cho biết: “Vẽ” tranh lá buộc người họa sỹ phải gập người ngồi bên tấm vóc, cổ luôn cúi xuống để hí húi với những nhát cắt và dán lá. Còn mắt do chỉ tập trung vào từng chi tiết nhỏ trên tranh nên sau khi đứng lên thì nhìn mọi thứ bên ngoài đều lu mờ và loang loáng”. 

“Lá nhặt ngoài đường sao bán đắt thế!”

Những bức tranh làm từ lá tưởng chừng như rất khó để biểu cảm được đôi mắt long lanh, đôi môi căng mọng của người con gái đương xuân thì nhưng Lê Đắc Trung đã làm được điều đó. Anh cắt, gọt từng chiếc lá để tạo nên những miếng ghép phù hợp và khi đứng cạnh nhau, thật kỳ lạ, chúng đã tạo nên nụ cười của các cô gái dân tộc đầy sức sống. Các tác phẩm thể hiện một hình ảnh rất thuần Việt qua các lát cắt của cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh mảng đề tài về thiếu nữ dân tộc Việt Nam, Lê Đắc Trung còn giúp quảng bá đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua hàng loạt tranh thể hiện một Việt Nam mộc mạc, giản dị và tự nhiên với màu xanh của cánh đồng, ánh trăng hiền dịu của làng quê hay một Hà Nội yên bình trong hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều tác phẩm nghệ thuật của anh đã được sưu tầm và trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm trên thế giới từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Anh, Mỹ và Pháp.

10 năm gắn bó với nghệ thuật tranh lá từ khi còn là một cậu sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tới nay, Lê Đắc Trung còn nhớ mãi câu hỏi bất ngờ của một người khách đến xem tranh. Thấy giá đề trên mỗi bức tranh khá cao, vị khách này đã thẳng thừng hỏi tác giả “Lá đi nhặt ngoài đường sao bán đắt thế!”. Câu hỏi khiếm nhã của vị khách này cũng làm cho Đắc Trung thấy  nao lòng vì công sức bỏ ra chưa được người xem tranh đánh giá đúng. Dẫu vậy, anh vẫn kiên trì theo nghề cho dù thị trường tranh lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Những bức tranh lá phần lớn theo chân các vị khách nước ngoài về nước và mang theo cả hương vị Việt trong đó. 

Do chỉ tập trung vào từng chi tiết nhỏ trên tranh, nên sau khi “vẽ” xong, đứng lên thì nhìn mọi thứ bên ngoài đều lu mờ và loang loáng. 

Họa sĩ Lê Đắc Trung