Vụ cướp tiệm vàng tại chợ Đông Ba: Nhặt được vàng không trả lại có bị phạt tù?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ cướp tiệm vàng xảy ra ở chợ Đông Ba, Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị người dân trả lại vàng do đối tượng cướp tài sản ném ra đường. Nhiều người hỏi, nếu những cá nhân đã nhặt được vàng, nhưng cố tình không giao nộp lại có bị xử lý hình sự?

Vụ việc xảy ra tại tiệm vàng Hoàng Đức, chợ Đông Ba. Khi đối tượng có hành động ném vàng ra đường đã có một số cá nhân dừng xe, chạy ra nhặt. Theo Công an TP Huế, việc yêu cầu người dân trả lại tài sản là để phục vụ quá trình điều tra, trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu nhận lại tài sản đó.

Điều 230 BLDS 2015 quy định, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Như vậy khi nhặt được của rơi, cá nhân có trách nhiệm thông báo hoặc giao nộp đến UBND cấp xã hoặc cơ quan công an gần nhất. Trường hợp cố tình giữ lại thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả sẽ bị phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện trường nơi xảy ra vụ cướp tiệm vàng

Hiện trường nơi xảy ra vụ cướp tiệm vàng

Về xử lý hành chính, khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với một trong những hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có; Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác; Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự….

Như vậy theo quy định trên, trường hợp nhặt được của rơi không trả lại có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân nhặt được của rơi không trả lại có thể bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Điều 176 BLHS2015 sửa đổi quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 - dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Cũng theo Luật sư Thu, trong vụ cướp tiệm vàng xảy ra ở chợ Đông Ba, thành phố Huế, cơ quan công an đã có thông báo đề nghị người dân trả lại tài sản nhặt đươc do đối tượng dùng súng đe dọa lấy, ném ra đường.

Vàng do đối tượng chiếm đoạt trái phép từ tiệm vàng ném ra đường được xác định là vật chứng của vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án.

Do vậy, lực lượng công an có thẩm quyền xử lý đối với số vàng trên, cũng như yêu cầu những cá nhân nhặt được vàng giao nộp lại cho cơ quan điều tra tạm giữ.