Vụ “chuyến bay giải cứu”giai đoạn 2: Các bị cáo bày tỏ sự ân hận

ANTD.VN - Sau phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện kiểm sát (VKS) với 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, ngày 25-12, phiên tòa tiếp diễn phần bào chữa của các luật sư và tự bào chữa của các bị cáo.

Không tranh luận về tội danh

Theo đó, các luật sư không tranh luận về tội danh quy kết đối với các bị cáo mà chủ yếu tập trung trình bày về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Đáng chú ý, tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng Thương mại Điện tử một công ty hàng không) đã bật khóc và trình bày không rõ tiếng. Sau một hồi bình tĩnh, bị cáo cho biết bản thân đã nhận thức rất rõ về hành vi sai trái. “Vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng và trả giá tại đây”, bị cáo nghẹn giọng và bày tỏ mong muốn được hưởng mức án khoan hồng hơn.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu", giai đoạn 2.

Cùng bị đưa ra xét xử về tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc, không chỉ với bản thân mà còn cả với gia đình.

Theo bị cáo Cương, bản thân bị cáo đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân trước khi có quyết định khởi tố và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án. “Sau hơn 2 năm bị tạm giam, bị cáo rất thấm thía về những sai lầm của mình”, bị cáo nói giọng ăn năn.

Theo cáo trạng, khi biết được Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) sẽ xin được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, Quang đã liên hệ với Phạm Trung Kiên và được Kiên đồng ý, thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/ công dân.

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên xử.

Sau đó, Quang trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc bị cáo này có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ, mức phí từ 2.000 - 3.000 USD/ công dân.

Từ thông tin này, Cương và Dũng trao đổi với lãnh đạo của một số doanh nghiệp, tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu xin về nước. Cả hai thỏa thuận với các giám đốc này chi phí chênh lệch lên từ 100 - 500 USD/ công dân (so với chi phí Quang yêu cầu) để hưởng lợi. Tiếp đó, nhóm giám đốc đã tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/ công dân (so với chi phí Dũng, Cương đưa ra).

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế duyệt, ký văn bản chấp thuận cho công dân về nước theo quy trình của Bộ này.

Tại tòa, Vũ Hồng Quang thừa nhận đã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên hơn 7,4 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho hơn 600 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Qua đó, Quang hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Ở ngày thứ 2 xét xử vụ án, vợ bị cáo Quang đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính thay chồng.

Phạm tội do sức ép công dân hồi hương

Tự bào chữa, bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty PNR) thừa nhận trong công việc đã vô tình để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, theo lời bị cáo Thắng tại tòa, bị cáo gần như thiếu kiến thức trong giai đoạn dịch COVID-19 do quá nhiều khó khăn, trong khi mạng sống của con người là cần thiết.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại tòa.

“Đến nay, bị cáo nhận thức rõ sai phạm, mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét để bị cáo sớm có cơ tiếp tục đóng góp cho xã hội, phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi dưỡng các con nhỏ”, bị cáo Thắng giãi bày.

Bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư Đỗ Ánh Thị Ánh Tuyết (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, thân chủ của mình phạm tội trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, đặc biệt khi mong muốn hồi hương của hàng triệu công dân ở nước ngoài tăng đột biến, gây áp lực lên công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu hồi hương của kiều bào và khả năng đáp ứng ở trong nước.

Trong bối cảnh ấy, từ cuối năm 2020 đến tháng 4-2021, công ty của bị cáo Thắng (doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lữ hành du lịch, bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn và dẫn tour du lịch) liên tục nhận được điện thoại hỏi về trình tự, thủ tục và nhờ xin cho khách lẻ từ nước ngoài về nước tránh dịch…

Ngoài ra, theo luật sư Tuyết và vị đồng nghiệp (cùng bào chữa cho bị cáo Thắng), bị cáo Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, bị cáo vô tư chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng với mật độ liên tục, đều đặn và với số lượng tiền lớn mà không hề có chút e dè hay ngụy trang, giấu giếm.

Bào chữa cho các bị cáo, luật sư không tranh luận tội danh mà chỉ đề nghị xem xét giảm nhẹ.

Tại phần tranh luận vào chiều 24-12-2024, luật sư của bị cáo này thừa nhận bị cáo Tùng có lỗi khi xem chủ trương đưa công dân ở nước ngoài về nước cách ly như một cơ hội để hưởng lợi từ vị trí công tác của mình.

Tuy nhiên, bị cáo Tùng không có khả năng để gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp và bị cáo không dùng quyền lực ép ông Nghĩa phải chi tiền mà chỉ mang tính chất đàm phán, thỏa thuận chi phí dựa trên chi phí thực tế.

Bản thân bị cáo Trần Tùng không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự. Khi làm việc với cơ quan công an, bị cáo có chuyển biến trong nhận thức, từ đó thành khẩn nhận tội và nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã khắc phục hậu quả số tiền 5,7 tỷ đồng...