Vụ bằng giả Trường Đại học Đông Đô: Cựu Hiệu trưởng bị đề nghị đến 13 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 24-12, phiên tòa xét xử 10 bị cáo trong vụ cấp bằng giả xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện kiểm nhân dân TP Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về vụ án.

Theo đó, thực hành quyền công tố tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát (VKS) sau khi phân tính đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo đã đề nghị HĐXX sơ thẩm, TAND TP Hà Nội xử phạt Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) từ 12 năm tù đến 13 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”.

Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô Dương Văn Hoà.

Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô Dương Văn Hoà.

Cũng với tội danh trên, VKS đề nghị xử phạt Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng) từ 9 năm tù đến 10 năm tù. Các bị cáo còn lại cũng lần lượt bị cơ quan truy tố đề nghị từ 12 tháng tù, cho hưởng án treo, đến 10 năm tù cùng tội danh. VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Trường Đại học Đông Đô phải nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền thu lời bất chính là hơn 7,1 tỷ đồng.

Theo đại diện VKS, Trường Đại học dân lập Đông Đô được thành lập từ năm 1994, với tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Đến năm 2017, trường này chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục và được đào tạo 19 mã ngành trình độ đại học chính quy.

HĐQT nhà trường do bị can Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn - PV) làm chủ tịch HĐQT.

Lời khai của các bị cáo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng) và Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng) cho thấy, bản chất Trường Đại học Đông Đô thuộc sở hữu của Trần Khắc Hùng.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên toà.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên toà.

VKS đánh giá, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh, nhưng từ năm 2017 đến 2019, Trần Khắc Hùng đã chỉ đạo Ban giám hiệu và các phòng ban triển khai tuyển sinh.

Trường ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác với 15 cơ sở, trong đó có 12 cơ sở đã triển khai tuyển sinh, phối hợp đào tạo. Với hệ văn bằng 2 Tiếng Anh, mức học phí toàn khóa từ 29,8 triệu đồng đến 35 triệu đồng/ 1 học sinh.

Với mảng đào tạo văn bằng 2, từ năm 2017 đến năm 2019, Trường Đại học Đông Đô đã tuyển sinh được 3.527 học viên, thu hơn 24,2 tỷ đồng nhập quỹ nhà trường. Cơ quan điều tra xác định nhà trường đã thu của 2.523 người số tiền hơn 18,2 tỷ đồng.

Số tiền còn lại trong quỹ do chứng từ, sổ sách không đầy đủ nên không xác định được cá nhân nào nộp.

Vào tháng 4-2019, khi Bộ GD-ĐT yêu cầu trường giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh. Để che giấu hành vi sai phạm, Dương Văn Hòa đã ký hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo.

Theo lời khai của một số bị cáo, nhà trường nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng cách phát đề, đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt có trường hợp không phải hợp thức bài thi.

Sau khi bị Bộ Công an phát hiện, các đối tượng có dấu hiệu tiêu hủy nhiều hồ sơ lý lịch của các học viên và sổ sách liên quan. Do đó, kết quả điều tra xác định, từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Trường Đại học Đông Đô đã cấp 429 văn bằng và 2 giấy chứng nhận giả thu lời 7,1 tỷ đồng.

Trong đó, công an triệu tập, làm rõ 210 người, thu 2,7 tỷ đồng. Bị cáo Trần Kim Oanh xác nhận, bị can Trần Khắc Hùng đặt quy định, mỗi nhân viên của trường phải môi giới, lôi kéo về cho trường, mỗi năm ít nhất từ 4 đến 10 hồ sơ xin làm giả văn bằng 2.

Với mỗi hồ sơ “kéo về trường”, nhân viên được trường trích lại 7 triệu đồng. Đây được gọi là tiền thưởng, do nhà trường quy định, chứ không phải tiền học viên “cảm ơn”.

Bị cáo Nguyễn Thị Huệ (cựu kế toán trưởng) khai nhận, các cán bộ nhà trường được chi trả 7 triệu đồng từ mỗi hồ sơ. Số tiền 7, 1 tỷ đồng về thẳng “hầu bao của trường” và hòa vào ngân sách chung. Từ ngân sách chung lại chi trả cho các hoạt động của trường.

Trước tòa, bà Nguyễn Thị Hiền (Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển Việt Nam) cho biết, bà đã giới thiệu cho gần 100 học viên tuyển sinh vào Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 14 người được cấp bằng giả. Những học viên này đã ủy quyền cho bà Hiền tham gia tố tụng và mong muốn lấy lại tiền học phí.

VKS cho rằng HĐXX đã giải thích, với những người học thật thi thật là quan hệ giữa họ với nhà trường. Còn tòa án xét xử việc học giả thi giả, số tiền học viên nộp bắt buộc phải sung công quỹ.

Trong khi ấy, tại phiên tòa, đại diện nhà trường cho biết không rõ về số tiền thu, chi bất chính. Còn luật sư của nhà trường có quan điểm, con số thiệt hại 7,1 tỷ đồng mà VKS yêu cầu Trường Đại học Đông Đô và các bị cáo phải hoàn trả là không đúng.