Vụ 22.000 lon sữa mà Úc tặng TP HCM: Có cần thiết phải kiểm tra ATTP hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Nêu quan điểm về vụ 22.000 lon sữa mà Úc tặng TP HCM, PGS.TS Trần Đáng cho rằng, dù là hàng từ thiện vẫn nên kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi đưa vào sử dụng.

PGS.TS Trần Đáng

PGS.TS Trần Đáng

Liên quan đến hơn 22.000 lon sữa dành cho trẻ nhỏ là hàng từ thiện từ mà Australia (Úc) ủng hộ TP HCM, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - đoàn ĐBQH TP HCM đã nêu băn khoăn về sự cứng nhắc của việc thực thi thủ tục hành chính dẫn đến tình trạng gần 1 tháng lô sữa trên vẫn chưa được bàn giao.

Để làm rõ hơn thông tin kể trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp Hội thực phẩm chức năng Việt Nam.

PV: Ngày 9-11, trong khi thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu đã nêu những quy định hành chính cứng nhắc kể cả trong thực thi dẫn đến hơn 22.000 lon sữa là hàng từ thiện từ Úc gửi cho TP HCM thông qua MTTQ thành phố sau gần 1 tháng đến nay vẫn chưa nhận được. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS. Trần Đáng: Tôi có biết thông tin này qua báo chí. Qua tìm hiểu thông tin, tôi được biết lô sữa này do một cá nhân gửi qua Ủy ban MTTQ TP HCM để tặng cho trẻ em thành phố.

Tôi cho rằng trong những lúc thành phố đang khó khăn thì dù là cân gạo, gói mì, bó rau… đều rất đáng quý. Tuy nhiên qua phát biểu của đại biểu Tô Thị Bích Châu tôi thấy cần làm rõ mấy vấn đề.

Thứ nhất: Đại biểu kiến nghị cần có chính sách phân cấp mạnh mẽ. Thì đối với sản phẩm này, Nghị định của Chính phủ đã phân cấp quản lý cho địa phương, cụ thể là Ban Quản lý ATTP TP HCM. Cũng chính vì đã được phân cấp nên ngày 25/10/2021, Ủy ban MTTQ TP HCM đã có công văn đề nghị Ban Quản lý ATTP thành phố cho miễn kiểm tra nhà nước về ATTP đối với lô hàng này và Ban quản lý ATTP thành phố đã có công văn hướng dẫn rất chi tiết cho MTTQ, cụ thể là thẩm quyền miễn kiểm tra không phải của Ban quản lý ATTP.

Thứ hai: Tôi cho rằng việc hướng dẫn của Cục ATTP là chính xác vì theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật ATTP thì đối với trường hợp hàng từ thiện không phải là đối tượng được miễn kiểm tra ATTP trừ trường hợp hàng đó do chỉ đạo của Chính phủ nhập về để phục vụ các trường hợp khẩn cấp.

PV: ĐBQH Tô Thị Bích Châu phản ánh Cục Thú y - Bộ NN&PTNT chỉ sau 02 ngày thì đồng ý còn Cục ATTP - Bộ Y tế lại hướng dẫn cần xin ý kiến Chính phủ với lô hàng này. Quan điểm của ông ra sao?

PGS. TS. Trần Đáng: Theo tôi có thể có sự hiểu chưa đúng ở chỗ này. Cục Thú y trả lời dưới góc độ quản lý lĩnh vực về kiểm dịch động vật, tức lô hàng này, theo Luật Thú y là được miễn kiểm dịch động vật, không phải kiểm tra xem có mầm bệnh từ động vật nhiễm vào hay không?

Còn Cục ATTP căn cứ theo Luật ATTP, tức đối với những lô hàng như thế này việc kiểm tra ATTP là kiểm tra xem hàng còn hạn hay không? Có chứa các chất độc hại như kim loại nặng, độc tố vi nấm… vượt ngưỡng giới hạn hay không? Mà thẩm quyền để cho miễn kiểm tra hay không là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta phải biết rằng Nghị định của Chính phủ đã phân công rất rõ nhiệm vụ của các bộ ngành trong quản lý ATTP. Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng; Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng (trong đó có sữa); Bộ NN&PTNT quản lý 19 nhóm ngành hàng.

Trong trường hợp lô hàng sữa kể trên, nếu MTTQ thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến Chính phủ về việc miễn kiểm tra ATTP thì nếu cần tham mưu Chính phủ sẽ xin tư vấn từ Bộ Công Thương chứ không phải Cục ATTP - Bộ Y tế.

PV: Việc kiểm tra ATTP lô hàng 22.000 lon sửa kễ trên, theo quy trình có mất nhiều thời gian hay không? Đơn vị nào có chức năng kiểm tra, thưa ông?

PGS. TS. Trần Đáng: Tôi được biết quy trình kiểm tra ATTP hiện nay thực hiện hết sức thông thoáng, ngoài việc kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì, nếu cần kiểm nghiệm các chỉ tiêu độc tố thì thời gian cũng không quá 03 ngày. Ngay tại TP HCM, Trung tâm 3 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học công nghệ là đơn vị có chức năng kiểm tra nhà nước về ATTP.

Tôi cũng hơi băn khoăn và khó hiểu là nếu cần kiểm tra thì cũng chỉ mất khoảng 03 ngày, nếu lô hàng an toàn thì đã đưa vào sử dụng mà tại sao suốt từ 25/10/2021 đến nay chúng ta cứ đề nghị xin miễn kiểm tra?

PV: Theo ông với lô hàng cụ thể này có cần thiết phải kiểm tra ATTP hay không?

PGS. TS. Trần Đáng: Với quan điểm cá nhân tôi thì dù là hàng từ thiện vẫn nên kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng vì đây là sản phẩm dành cho đối tượng đặc biệt đó là trẻ nhỏ, hơn nữa nếu có kiểm tra thì thủ tục và thời gian cũng hết sức đơn giản và thuận tiện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!