Vòng xoáy nợ nần

ANTĐ - Ngân hàng không thiếu vốn cho doanh nghiệp vay, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này và nếu có vay được cũng chưa có hướng dùng đồng vốn như thế nào cho hiệu quả. Đó là thực trạng đáng lo ngại của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên ngành xây dựng cho biết, tình trạng của doanh nghiệp hiện nay là chủ đầu tư chậm thanh toán, doanh nghiệp phải “khất” các nhà thầu phụ, nợ gối nợ. Hiện doanh nghiệp này đang nợ ngân hàng, nợ đối tác, nợ lương cán bộ nhân viên… hàng tỷ đồng. 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vấn đề của doanh nghiệp hiện nay không phải là thiếu vốn mà vốn đó sẽ được sử dụng như thế nào. Vốn của doanh nghiệp đang bị tồn đọng trong tài sản, trong khi tài sản tồn đọng lại chưa có cách tiêu thụ hay giải quyết triệt để. Thống kê của Bộ Tài chính mới đây nói lên thực trạng này. Theo đó, các địa phương có công trình xây dựng cơ bản hiện đang nợ các doanh nghiệp liên quan đến dự án khoảng 90.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất nợ doanh nghiệp đầu vào; doanh nghiệp đầu vào lại nợ ngân hàng hay các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào ở địa phương… tạo nên một vòng xoáy nợ nần giữa các doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc then chốt để giúp doanh nghiệp thoát khỏi nợ nần hiện tại không chỉ là cho doanh nghiệp vay vốn, mà cần giúp doanh nghiệp giải quyết tình trạng nợ chồng chéo, trọng tâm là tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội nhà thầu cho hay, năm nào Hiệp hội cũng tổ chức hội thảo để bàn về thực trạng và giải pháp cho tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tuy nhiên, chuyển biến rất ít. Các doanh nghiệp vẫn chiếm dụng vốn lẫn nhau và nợ khó đòi tiếp tục tăng lên. 

Các chuyên gia kinh tế cho biết, hiện chưa có thống kê đầy đủ về nợ xấu giữa các doanh nghiệp. Ở khía cạnh nhất định, nợ xấu giữa các doanh nghiệp với nhau còn đáng lo ngại hơn nợ xấu của doanh nghiệp đối với ngân hàng, bởi vì các khoản nợ của ngân hàng đều phải đảm bảo bằng tài sản thế chấp, nhưng các doanh nghiệp nợ nhau thường chỉ là bản hợp đồng, thu hồi nợ rất khó khăn. Số lượng hàng tồn kho rất cao, nhưng chưa có thống kê cụ thể xem lượng hàng này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong quy mô nền kinh tế. 

Theo ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chăn nuôi, chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex), vốn đi lòng vòng rất nguy hiểm nên cần phải khơi thông dòng vốn. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt thì phải được tiếp cận dòng tiền của ngân hàng, còn những doanh nghiệp không làm tốt thì ngân hàng không cho vay. “Đừng để một doanh nghiệp chết sẽ kéo theo những doanh nghiệp khác ảnh hưởng. Vướng vào nợ nần lẫn nhau là điều không mong muốn, nhưng ngân hàng cũng cần phải xem xét kỹ phương án kinh doanh”- ông Lý nói. 

Ngày 10-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 27/CT- TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương, trong đó nhấn mạnh xử lý nợ đọng cơ bản là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đây cũng là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững. Các địa phương phải tự cân đối nguồn vốn để xử lý dứt điểm nợ đọng. Tình trạng chồng chéo nợ giữa các doanh nghiệp hiện nay sẽ từng bước được giải quyết nếu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo này, đồng thời có hướng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp một cách hiệu quả.