Vòng xoáy “giải cứu – hối lộ” hàng chục tỷ đồng của số cán bộ VIP ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong việc tham mưu lãnh đạo Chính phủ cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao đã phân công các đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm triển khai theo quy trình. Tuy nhiên…

“Múa gậy trong bị”

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, CQĐT Bộ Công an xác định các cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thoả thuận về chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân được giao nhiệm vụ tập hợp, đề xuất cấp phép chuyến bay.

Từ trái qua, các bị can: Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng
Từ trái qua, các bị can: Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng

Tại nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tập hợp công dân Việt Nam có nhu cầu đăng ký về nước báo cáo về Phòng Bảo hộ công dân ở trong nước để lập kế hoạch tổ chức đón về; hỗ trợ công dân ở nước ngoài về thông tin, thủ tục mua vé máy bay về nước, làm thủ tục xuất cảnh tại nước sở tại.

Trong nước, Phòng Bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự do ông Lưu Tuấn Dũng làm Trưởng phòng là đầu mối tiếp nhận báo cáo của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và tiếp nhận hồ sơ xin tổ chức chuyến bay của cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp.

Sau đó, tập hợp, dự thảo kế hoạch tổ chức các chuyến bay "giải cứu", "combo" theo tháng/quý, trình lãnh đạo Cục Lãnh sự là ông Lê Tuấn Anh - Phó Cục trưởng tập sự phụ trách Phòng Bảo hộ công dân, ông Đỗ Hoàng Tùng - Phó Cục trưởng, bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng duyệt và trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao là ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng ký văn bản gửi Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ để xin ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Ngoại giao tập hợp trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, bao gồm 400 chuyến bay "giải cứu", 372 chuyến bay công dân tự trả toàn bộ chi phí.

Bị can Tô Anh Dũng.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với việc cấp phép các chuyến bay công dân tự trả phí, những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn trong nước đã tạo thành nhóm lợi ích và đưa ra nhiều yêu cầu gây khó khăn, nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp đề xuất thực hiện cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết. Chẳng hạn, như: Các cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục lãnh sự không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thoả thuận về chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân được giao nhiệm vụ tập hợp, đề xuất cấp phép chuyến bay.

Thực tế, bà Nguyễn Thị Hương Lan chủ yếu chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ hoặc đã chi tiền trước hoặc hứa hẹn sẽ chi tiền để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Không những thế, bà Lan còn hướng dẫn các doanh nghiệp này mượn nhiều pháp nhân khác nhau để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là doanh nghiệp được ưu tiên riêng của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Đối với các doanh nghiệp chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức, như: Mặc dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp nhưng các bị can không sắp xếp cho doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình đã báo cáo mà chỉ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến đầu tiên, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự; thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay làm cho doanh nghiệp không thể thực hiện được ngay mà phải xin gặp, chi tiền cho các cá nhân trong nhóm này xin được lùi chuyến bay để có thời gian bán vé máy bay và tổ chức chuyến bay; tự ý ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng triển khai chuyến bay trong khi doanh nghiệp đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay để đưa công dân về Việt Nam, buộc doanh nghiệp tiếp xúc, gặp gỡ và đưa tiền hối lộ để xin được tiếp tục triển khai chuyến bay...

Ở một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài: Khi được doanh nghiệp đặt vấn đề nhờ hỗ trợ theo chức trách, nhiệm vụ để hỗ trợ tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam trên địa bàn phụ trách về nước, Đại sứ và Tổng Lãnh sự của các cơ quan này đồng ý với điều kiện doanh nghiệp sau khi thực hiện thành công các chuyến bay phải chia phần lợi nhuận thu được hoặc thỏa thuận với doanh nghiệp chia tiền “bồi dưỡng” trên số lượng công dân được về trên các chuyến bay…

“Chọn mặt gửi vàng”!

CQĐT làm rõ: Với chức vụ là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách Cục Lãnh sự, bị can Tô Anh Dũng có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ. Giai đoạn Văn phòng Chính phủ tiếp nhận hồ sơ, tham mưu đề xuất lãnh đạo Chính phủ xét duyệt, cấp phép chuyến bay, bị can Tô Anh Dũng có nhiệm vụ ký đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo trên cơ sở ý kiến thống nhất của Tổ công tác 5 Bộ.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, biết được vai trò của ông Tô Anh Dũng, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề để ông Tô Anh Dũng giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền. Trong các lần gặp nhau đầu tiên, bị can Tô Anh Dũng đã đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc bị can sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cán bộ cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục, giúp các doanh nghiệp xin cấp phép bay được cấp phép, tổ chức chuyến bay "combo". Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định bị can Tô Anh Dũng đã nhận tổng cộng 21,5 tỷ đồng.

Một nhân vật khác: Nguyễn Thị Hương Lan; với chức vụ là Phó Cục trưởng phụ trách, quyền Cục trưởng và sau đó là Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bị can Nguyễn Thị Hương Lan có trách nhiệm quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc tại Cục Lãnh sự.

Trong khoảng thời gian diễn ra các chuyến bay "giải cứu" và "combo", bà Lan phân công Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng phụ trách Phòng Bảo hộ công dân; Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng (Tập sự Phó Cục trưởng) và Lưu Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân trực tiếp giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia các chuyến bay "combo" của doanh nghiệp.

Theo chức trách nhiệm vụ được giao, bà Lan không cần thiết phải trực tiếp liên hệ, trao đổi, gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp và giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp trong việc xin tổ chức thực hiện các chuyến bay "combo". Song trên thực tế, tất cả kế hoạch dự kiến lựa chọn doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay "combo" do Phòng Bảo hộ công dân dự thảo đều phải xin ý kiến chỉ đạo của bà Lan trước khi ông Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng phụ trách ký, trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt.

Một số trường hợp, bị can Nguyễn Thị Hương Lan sẽ trực tiếp ký nháy trên các kế hoạch tổ chức chuyến bay do Cục Lãnh sự dự thảo trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao ký gửi Tổ công tác 5 Bộ hoặc ký phát hành công văn thông báo cho doanh nghiệp, địa phương, đơn vị liên quan về kết quả phê duyệt cấp phép chuyến bay của Tổ công tác 5 Bộ để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hương Lan còn can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức các chuyến bay "combo" cho các doanh nghiệp theo từng tuần/tháng cũng như chỉ đạo, đốc thúc cán bộ dưới quyền và các đơn vị có liên quan đối với việc phát hành văn bản phê duyệt, cấp phép bay cho các doanh nghiệp được nhanh hơn; phân bổ chuyến bay cho các doanh nghiệp theo địa bàn và thời gian hợp lý; được thay đổi thời gian, địa điểm bay, số lượng hành khách sau khi kế hoạch tổ chức các chuyến bay đã được lãnh đạo Bộ Ngoại giao hoặc Tổ công tác 5 Bộ phê duyệt.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, biết được vai trò của bà Nguyễn Thị Hương Lan, 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề và đưa tiền để bà Nguyễn Thị Hương Lan xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền. Bị can Nguyễn Thị Hương Lan đã có hành vi nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng.

Số tiền tiêu cực trong vụ án này cũng được cơ quan tố tụng làm rõ: bị can Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, có hành vi nhận hối lộ hơn 12,2 tỷ đồng; bị can Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, tập sự Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, có hành vi nhận hối lộ gần 1,8 tỷ đồng.

Bị can Lưu Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, có hành vi nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 527 triệu đồng…