Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư

ANTĐ - Đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, GDP năm 2013 sẽ tăng trưởng ở mức 5,2%. Con số này sẽ tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu Việt Nam đạt được những tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng.
Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư ảnh 1
Cải cách hệ thống ngân hàng là một trong những yếu tố giúp phục hồi kinh tế


Những đánh giá trên được đưa ra tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013 do Ngân hàng ADB tổ chức sáng qua (9-4). Báo cáo cho thấy, dự báo tăng trưởng GDP của khu vự châu Á đang phát triển sẽ là 6,6% trong năm 2013 và 6,7% trong năm 2014. 

Theo ADB, GDP của Việt Nam tăng trưởng 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2013, cao hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,9% và doanh số bán lẻ thực chỉ tăng trưởng 4,5% cho thấy có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dựa vào những yếu tố đó ADB dự báo GDP sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2013 và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các nền kinh tế công nghiệp lớn lấy lại được đà phát triển. Lạm phát dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình 7,5% trong năm nay, trước khi tăng lên đến 8,2% trong năm 2014. 

Về tín dụng, ADB cho rằng năm nay Ngân hàng Nhà nước đã nới bớt giới hạn cho tất cả các lĩnh vực. Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cần có những cơ chế khuyến khích cả người vay và ngân hàng. Nếu không sẽ khó khôi phục được tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế ADB cũng cho rằng, bất chấp những vấn đề còn tồn tại, Việt Nam vẫn là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Minh chứng cho điều này là sự gia tăng FDI từ Nhật Bản, tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh giành FDI ngày càng tăng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là cạnh tranh đến từ Indonesia. 

Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại lên đến 7%-8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện kịp thời và cương quyết các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và cải thiện các khía cạnh khác của môi trường đầu tư. “Chính phủ cần một cách tiếp cận có tính chiến lược và lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Một số thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách hơn nữa”, ông 

Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.