Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN: Để trở thành người thắng cuộc

ANTĐ - Chỉ còn ít ngày nữa (từ 1-1-2015) , Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong 2 nước có mức độ thực hiện các biện pháp ưu tiên xây dựng AEC 2015 cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho rằng, mức độ sẵn sàng tham gia của Việt Nam còn thấp.

Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN: Để trở thành người thắng cuộc ảnh 1Hàng hóa Việt Nam xuất sang khu vực ASEAN còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn

Cạnh tranh khốc liệt

Thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy tháng 10-2014, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 396 triệu USD từ Thái Lan. Tính chung 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu từ nước này 2,94 tỷ USD. Đáng chú ý, ngoài xăng dầu, máy móc, thiết bị, đồ gia dụng... những mặt hàng tiêu dùng đơn giản như giấy vệ sinh, nước rửa bát, ô che nắng hay đôi dép nhựa... cũng được nhập từ Thái Lan.

Từ đầu năm đến nay, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cho rằng, từ năm 2014, mức thuế áp dụng trên ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN (trong đó có Thái Lan) đã giảm xuống còn 50% và dự kiến sẽ tiếp tục hạ xuống mức 0% vào năm 2018. Do đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN đã tăng lên tương ứng với lộ trình cắt giảm thuế. Câu chuyện hàng Thái Lan tràn vào Việt không còn mới. Điều này cho thấy, hàng hóa Thái Lan đã thâm nhập thị trường Việt Nam khá thành công trước thời điểm AEC được hình thành (1-1-2015).

Không riêng gì Thái Lan, hàng hóa từ nhiều nước ASEAN cũng đang dần gia tăng thị phần và cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam tại thị trường trong nước. Theo Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN chiếm 15,5% tổng kim ngạch hàng nhập khẩu từ khu vực châu Á. Trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 12,7% và  chỉ tăng 2,9% trong 11 tháng. Điều này cho thấy hàng hóa Việt Nam xuất sang khu vực ASEAN chiếm tỷ lệ khiêm tốn và tăng trưởng rất chậm. Phải chăng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tìm được cách tiếp cận tốt vào thị trường có hơn 500 triệu người tiêu dùng này?

Thách thức và cơ hội 

Đánh giá về công tác chuẩn bị cho hội nhập AEC, Bộ Công Thương cho rằng, dù ở trình độ phát triển thấp hơn và hạn chế về nguồn lực, Việt Nam là một trong 2 nước có mức độ thực hiện các biện pháp ưu tiên xây dựng AEC 2015 giai đoạn đến hết năm 2013 cao nhất là 90% (ngang với Singapore) so với mức bình quân 82,1% của ASEAN. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)cho rằng, sự chuẩn bị và hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về Cộng đồng kinh tế chung ASEAN còn thấp. Điều tra mới nhất cho thấy, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thích nghi được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mới chỉ nghĩ đến việc làm ăn trong nước mà chưa chú trọng đến sự gắn kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thị trường nước ngoài. Do vậy, sự sẵn sàng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn yếu.

Theo bà Trần Bình Minh - chuyên gia của CIEM, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên các phương diện quản trị và công bằng hay trong việc tham gia vào cộng đồng thương mại. Việt Nam cũng đã có những kết quả tích cực trong sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thúc đẩy năng lực cạnh tranh như: Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi… Nhưng theo các chuyên gia, khả năng thực thi không hề dễ dàng khi khó khăn của kinh tế toàn cầu còn tiếp diễn và kết nối giữa các nước ASEAN vẫn cần được cải thiện. 

Trước khả năng hàng hóa các nước ASEAN tràn ngập thị trường khi Việt Nam gia nhập AEC, TS Võ Trí Thành cho rằng, các nước khác cũng sẽ đặt câu hỏi ngược lại, liệu hàng hóa Việt Nam có tràn ngập thị trường của họ? Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này để đưa hàng hóa Việt Nam vào các nước. “Về lý thuyết, trong sân chơi chung, sẽ có người thua cuộc. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải phát huy được những mặt mạnh, lợi thế để trở thành người thắng cuộc” - ông Võ Trí Thành nói.