Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong “cuộc chiến” toàn cầu chống nạn buôn người

ANTD.VN - Nạn buôn người đang trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng, có ảnh hưởng toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam - một quốc gia đang đóng góp tích cực trong cuộc chiến này.

Những người di cư dễ trở thành nạn nhân của các băng nhóm buôn người

Thảm cảnh “nô lệ thời hiện đại”

Mới đây, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã đưa ra một báo cáo toàn cầu về nạn buôn người, nhấn mạnh rằng tình trạng đói nghèo, xung đột kéo dài và biến đổi khí hậu khiến hàng triệu người rơi vào cảnh dễ bị lợi dụng. Những đối tượng yếu thế này dễ trở thành “con mồi” của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Trên cơ sở dữ liệu từ 156 quốc gia ở hầu hết các khu vực và tiểu vùng trên thế giới, báo cáo toàn cầu về nạn buôn người năm 2024 của UNODC cho biết, tổng số nạn nhân của nạn buôn người trên thế giới năm 2022 là hơn 69.600 người, tăng 43% so với mức của năm 2020, thời điểm số trường hợp được ghi nhận giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Con số này thậm chí còn vượt mức trước khi dịch bệnh bùng phát tới 25%. Dữ liệu sơ bộ của năm 2023 cũng cho thấy xu hướng này vẫn tiếp diễn. Điều này chứng tỏ, nạn buôn người đang len lỏi đến mọi ngóc ngách của thế giới, từ các quốc gia phát triển đến những nơi bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và môi trường.

Để làm rõ sự thật về nạn buôn người trong thế kỷ 21, UNODC đã đi phân tích sâu lý do tại sao tội ác này xảy ra, cách nạn nhân bị tuyển dụng và bóc lột, cũng như mối liên hệ giữa nạn buôn người và di cư, biến đổi khí hậu hoặc xung đột. Trước hết, nạn buôn người xảy ra ở khắp mọi nơi, nhưng chủ yếu nạn nhân bị buôn bán từ các nước có thu nhập thấp sang các nước có thu nhập cao hơn. Hầu hết nạn nhân của tội phạm buôn người đến từ châu Phi, đặc biệt là vùng cận Sahara châu Phi và từ Nam Á và Đông Á.

Trong bối cảnh đói nghèo, xung đột và biến đổi khí hậu, nạn buôn người phát triển mạnh mẽ. Với gần một nửa dân số thế giới sống với mức thu nhập dưới 6,85 USD/ngày và ít nhất 3 tỷ người trên toàn thế giới đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường phi khí hậu, hàng triệu cá nhân trở nên dễ bị bóc lột.

Những kẻ buôn người thường lợi dụng sự tuyệt vọng, chênh lệch và thiếu thốn này, nhắm vào những người dễ bị tổn thương, thiệt thòi hoặc trong hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả những người di cư bất hợp pháp hoặc nhập cư trái phép và những người đang cần việc làm khẩn cấp để thực hiện hành vi buôn người nhằm mục đích lợi nhuận. Buôn người là một trong những loại tội phạm phát triển nhanh nhất, cùng với buôn bán ma túy và vũ khí, và là một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao, tạo ra lợi nhuận ước tính 150 tỷ USD mỗi năm.

Liên quan đến những đối tượng hay bị những kẻ buôn người nhắm đến nhiều nhất, UNODC chỉ ra rằng đó là phụ nữ, tiếp đó là nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai. Giám đốc điều hành UNODC Ghada Waly quan ngại rằng, các nạn nhân của nạn buôn người thường bị cưỡng bức lao động trong các ngành nghề khắc nghiệt như ăn xin, làm việc trong các cơ sở sản xuất trái phép, hoặc tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái còn phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục và bạo lực giới, làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà người ta mô tả là tạo ra “nô lệ thời hiện đại”.

Nhiều biện pháp ngăn chặn nạn buôn người

Để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng buôn người, UNODC đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác ngăn chặn. Theo đó, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện nhằm đối phó những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn của các băng nhóm buôn người. Các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ trẻ em nên được tích hợp vào các cơ chế chống buôn người, cùng với đó là các nỗ lực chấm dứt lao động trẻ em. Công tác phòng ngừa là một phần không thể thiếu, trong đó cần cải thiện chất lượng của các báo cáo và nâng cao nhận thức của người dân về nạn buôn người.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nỗ lực chung toàn cầu trong việc giảm thiểu và chấm dứt tình trạng buôn người. Trước hết, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia và thực hiện cam kết của Hiệp định Liên hợp quốc về buôn bán người và Hiệp định hợp tác khu vực ASEAN trong việc ngăn chặn các tội phạm xuyên biên giới, trong đó có tội phạm buôn người. Các cam kết này không chỉ giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với các quốc gia khác mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các vụ án liên quan đến buôn người và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân.

Việt Nam còn tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế như INTERPOL, ASEAN và Liên hợp quốc để tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin về tội phạm buôn người. Việt Nam đã tổ chức các hội nghị, diễn đàn quốc tế để các chuyên gia và các nhà ngoại giao từ nhiều quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi các giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn người. Qua đó, Việt Nam không chỉ nâng cao vị thế trên trường quốc tế mà còn đóng góp vào việc xây dựng một mạng lưới hợp tác toàn cầu, giúp các quốc gia giải quyết vấn nạn này.

Bên cạnh các hiệp định quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. Các quy định pháp lý về phòng, chống buôn người liên tục được cải tiến, đồng thời tăng cường xử lý nghiêm minh các đối tượng buôn bán người. Một trong những dấu ấn quan trọng là việc ban hành Bộ luật Hình sự sửa đổi vào năm 2015, trong đó quy định các tội phạm liên quan đến buôn người, giúp nâng cao khả năng điều tra, truy tố và xét xử các vụ án này.

Mới ngày 20-12 vừa rồi, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Luật Phòng chống mua bán người được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 11-2024. Luật đã bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân. Luật cũng bổ sung chế định đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán.

Việt Nam cũng chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn buôn người. Từ năm 2016, Việt Nam lấy ngày 30-7 là ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi loại tội phạm mua bán người. Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự trong nước để cung cấp hỗ trợ thiết thực cho những nạn nhân sau khi được giải cứu.