Việt Nam đã giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việt Nam đã cắt giảm 40 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo hành lang thông thoáng hơn cho doanh nghiệp kinh doanh.
Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục sản xuất, kinh doanh

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho hay, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được Chính phủ xác định rõ từ năm 2014.

Do đó, hàng năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014-2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (từ 2019-2022).

Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt.

Từ năm 2017-2019, Chính phủ cũng đã ban hành đến 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh. Đến năm 2019, cắt giảm đến hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành.

Đại diện CIEM cũng chỉ ra những cải cách trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, thể hiện ở số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020…

“Có thể nói, đây là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua”- bà Nguyễn Minh Thảo cho hay.

Cùng với đó, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng giảm mạnh từ 16,62% vào năm 2015 xuống còn 15,3% vào năm 2016; 8% năm 2017; 4,8% vào năm 2018 và 6,62% vào năm 2019.

Thời gian thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu được rút ngắn. Chẳng hạn như tại Quảng Ninh, năm 2016, thời gian thông quan cho hàng xuất khẩu trung bình là 21 giờ thì năm 2020 giảm xuống còn 2,5 giờ (tương đương giảm 88%); Với hàng hóa nhập khẩu, thời gian thông quan từ 39 giờ năm 2016 xuống còn 10 giờ năm 2020, giảm 74%.

Ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, bà Amy Luinstra - quyền Giám đốc Quốc gia cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nói: “Năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhờ đó, thu hút đầu tư nước ngoài đã phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, kinh tế vĩ mô được giữ vững”.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết, hơn 1.200 thành viên EuroCham đều đưa ra tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam. Họ “chấm điểm” tiêu chí này qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI). Điểm số này đã từ 42 điểm hồi cuối năm ngoái lên 61 điểm vào quý I năm nay.

Dù vậy, ghi nhận của CIEM cho thấy, cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam có dấu hiệu chững lại khi ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy gọn hơn về số lượng nhưng lại có những quy định chưa bám sát thực tiễn với doanh nghiệp…

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang mong muốn được hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch, việc cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng là rất cần thiết. TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM cho hay, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch Covid - 19 như vừa qua, doanh nghiệp đang rất cần một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi.

“Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời không đưa ra những văn bản tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp. Các địa phương cũng phải sửa đổi ngay những điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, nhằm tạo ra đột phá cho môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới” - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.