Việt Nam coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong

ANTD.VN - Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), nỗ lực cùng khu vực tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.

Nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 (GMS 8) từ ngày 5 đến 8-11-2024 tại Vân Nam. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10).

Thủ tướng thăm gian giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại lễ hội văn hoá-du lịch Việt Nam tại Vân Nam

Khu vực Mekong bao gồm 5 quốc gia gắn kết bởi dòng sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là khu vực có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên phong phú và Mekong là con sông có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân các nước thuộc lưu vực sông. Ngoài ra, đây còn là thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực có năng lực và năng suất cao, vị trí địa kinh tế chiến lược kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và các thị trường châu Á.

Từ đầu những năm 1990 đến nay, trong xu thế khu vực hóa và trước nhu cầu đẩy mạnh liên kết kinh tế, hợp tác tại Mekong đã có sự chuyển mình to lớn. Tháng 11-2003, ACMECS được thành lập tại Hội nghị cấp cao Bagan theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Lúc đầu, nó có tên là Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế (ECS), sau đó được đổi thành Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong). Đây là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ nhất tháng 11-2003, các nước thành viên đã thông qua Tuyên bố Bagan và Chương trình hành động ACMECS, trong đó nêu 5 lĩnh vực hợp tác: thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, công nghiệp - nông nghiệp, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Sau đó, các lĩnh vực như y tế, môi trường, năng lượng được bổ sung thêm. Như vậy, đến nay ACMECS có 8 lĩnh vực hợp tác. Mỗi nước thành viên ACMECS điều phối ít nhất 1 lĩnh vực hợp tác.

Trong đó, Thái Lan điều phối 2 lĩnh vực là thương mại - đầu tư và y tế; Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp - năng lượng, đồng thời cùng với Campuchia điều phối lĩnh vực môi trường; Campuchia điều phối hợp tác du lịch; Lào điều phối hợp tác giao thông; lĩnh vực nông nghiệp do Lào và Myanmar điều phối. Cùng với các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong khác như Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, hợp tác trong ACMECS được đánh giá đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, cũng như củng cố quan hệ hữu nghị, hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tuy nhiên, các quốc gia Mekong cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ sự phục hồi chậm hơn dự báo của kinh tế thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, các vấn đề an ninh phi truyền thống như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai. Điều này đòi hỏi hợp tác ACMECS phải nâng cao hơn nữa hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp của ACMECS với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác. Chính vì thế, việc Hội nghị hợp tác ACMECS lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng hợp tác, giúp các cơ chế vững vàng bước sang kỷ nguyên phát triển mới.

Việt Nam - nhân tố không thể thiếu trong hợp tác ACMECS

Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11-2004. Với vị trí cửa ngõ phía đông của Tiểu vùng Mekong, Việt Nam là nhân tố không thể thiếu của các hành lang kinh tế ở khu vực. Là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam luôn tích cực đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong cơ chế hợp tác ACMECS, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia. Chẳng hạn, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mekong, Việt Nam tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và hiện đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác.

Đáng chú ý, Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ACMECS (tháng 11-2008 và tháng 10-2016). Việt Nam cũng tích cực tiến hành các thủ tục trong nước để đóng góp tài chính đối với Quỹ phát triển ACMECS, qua đó thúc đẩy việc thành lập quỹ, bảo đảm công tác triển khai hiệu quả các dự án trong Kế hoạch tổng thể ACMECS, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các nền kinh tế ACMECS cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng. Tham dự Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya-Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10) cùng các hội nghị trong cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong lần này tại Vân Nam, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính muốn chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tiểu vùng Mekong cần có những bước đột phá để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Chính vì thế, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo.

Những lĩnh vực hợp tác mới sẽ là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế như ACMECS không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng; mà còn là những cơ chế tiên phong đưa tiểu vùng Mekong lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại các sự kiện ở Vân Nam, Trung Quốc, còn góp phần nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các cơ chế như ACMECS nói riêng và hợp tác tiểu vùng Mekong nói chung. Qua đó, khẳng định tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.