- Loại xe máy nào sẽ phải kiểm tra khí thải định kỳ từ 2025?
- Vĩnh Phúc: Xe máy bị xe tải đâm từ phía sau, 2 phụ nữ bị cuốn vào gầm tử vong tại chỗ
- Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và TP.HCM loại bỏ phương tiện cũ nát, lạc hậu
Người đi xe máy là đối tượng tử vong do tai nạn cao nhất
Tại Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức, diễn ra hôm nay 4/11, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) nhận định, đảm bảo an toàn giao thông xe máy là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam hay Ấn Độ mà trên toàn cầu.
Xe máy là phương tiện di chuyển chính, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và phổ biến của xe máy là những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Theo TS. FangFang Luo, chuyên gia về các vấn đề pháp chế, an toàn và giao thông, trụ sở WHO, thống kê trên toàn cầu mỗi năm có 1,19 triệu người chết do TNGT, con số này quá lớn.
Người đi xe máy và các loại xe có hai và ba bánh chạy bằng động cơ hiện là nhóm có số người tử vong lớn nhất khi lưu thông đường bộ, chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong.
|
60% số vụ TNGT đường bộ liên quan đến xe máy |
Tiến sĩ Fangfang Luo cũng cho biết, kể từ năm 2011 đến nay, số lượng xe máy trên toàn cầu đã tăng gần gấp ba, cùng với đó là sự gia tăng đáng báo động về số ca tử vong do TNGT liên quan đến phương tiện này.
Xe máy hiện có mặt tại 34 quốc gia (chiếm khoảng 62,7% dân số thế giới), trong đó, tập trung chủ yếu tại các quốc gia có thu nhập trung bình.
Tiến sĩ Fangfang Luo nhìn nhận, có 3 thách thức chính trong việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ cho xe máy, bao gồm: hệ thống dữ liệu ở các quốc gia chưa toàn diện; chưa có khung pháp lý đầy đủ và hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đáp ứng, trong đó có các tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm, hệ thống chống bó cứng phanh, đèn chạy ban ngày…
Không hành động sớm thách thức càng lớn
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhìn nhận: "Nếu chúng ta không hành động, thách thức ngày càng lớn, không chỉ là 60% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy mà có thể còn gia tăng cao hơn khi việc chấp hành pháp luật của người điều khiển mô tô, xe máy không được cải thiện, tốc độ gia tăng phương tiện này không hạn chế...
Với bối cảnh hoạt động giao thông hỗn hợp như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào xử phạt của lực lượng chức năng và không có đột phá chiến lược thì không thể giải quyết được. Cần tiến tới lực lượng CSGT sẽ tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia giao thông là chủ yếu. Thời gian qua, lực lượng CSGT đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT".
|
Thách thức giảm tai nạn giao thông đối với xe máy là tương đối lớn khi tỷ lệ sở hữu xe máy tại Việt Nam cao nhất thế giới |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng CSGT đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Bên cạnh việc tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
Với các giải pháp quyết liệt như vậy, tình hình trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn thường trực, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp đồng bộ.
Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, phương tiện xe máy gây ra trong 10 tháng đầu năm 2024 vẫn chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn. Để phòng ngừa xe máy gây TNGT, lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều cao điểm để xử lý; tuy nhiên, cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn.
Để khắc phục những hạn chế trong quản lý phương tiện xe máy, trong Luật Trật tự ATGT đường bộ, cơ quan chủ trì đã đề xuất một số quy định mới. Các quy định này không chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh.
|
Lực lượng CSGT xử phạt người điều khiển xe máy lưu thông lên Vành đai 3 trên cao |
Còn ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao. Đến thời điểm tháng 9/2024 đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh đặc thù về quy hoạch xây dựng và bất cập về hạ tầng giao thông, các lợi thế của xe máy như tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở, sự linh hoạt, thuận tiện, cơ động, tiện nghi, chi phí vận hành rẻ... càng được phát huy lên gấp bội khi được so sánh với các phương tiện vận tải khác. Nhưng một trong những nhược điểm của xe máy là độ an toàn thấp.
Mặc dù có nhiều kế hoạch dự kiến quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn, xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ TNGT.
Theo ông Minh, những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn xây dựng tiêu chuẩn thiết kế... dẫn tới tình trạng giao thông hỗn hợp và rất khó tách làn cho xe máy.
Tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy mới được ban hành dưới dạng hướng dẫn tham khảo, và chưa được áp dụng một cách rộng rãi. Nếu quản lý tốt sẽ giảm được rất nhiều TNGT cho người đi xe máy.
Để giảm TNGT và tử vong từ xe máy, theo ông Qingfeng Li, Tiến sĩ MHS, Trợ lý giáo sư, Y tế quốc tế, Phó giám đốc, Đơn vị nghiên cứu chấn thương quốc tế đội mũ bảo hiểm là biện pháp chính.
Theo WHO, đội mũ bảo hiểm đúng cách có thể giảm 42% nguy cơ tử vong trong tai nạn và giảm 70% nguy cơ bị thương nặng.
Để tốt nhất cho người tham gia lưu thông, tất cả người dùng xe máy và xe gắn động cơ đi trên đường bộ đều phải đội mũ bảo hiểm.