Việt Á tham gia nghiên cứu để được Bộ Y tế cấp phép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 27-12, phiên tòa xét xử ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt và 6 bị cáo liên quan, do có sai phạm trong thực hiện Đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 tại Học viện Quân y tiếp tục phần thẩm vấn.

Sản phẩm nghiệm thu là của vợ ông chủ Việt Á

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Việt Á liên quan đến Học viện Quân y, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) và Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y) cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, trước tình hình dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit test Covid-19.

Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt.

Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt.

Cuối tháng 1-2020, bị cáo Hồ Anh Sơn trình Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (lúc đó là Phó giám đốc Học viện Quân y) ký công văn gửi Bộ Khoa học và KH-CN về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test Covid-19. Sau khi nhận được văn bản, bị cáo Trịnh Thanh Hùng đã trao đổi thống nhất với Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) về việc để Việt Á tham gia đề tài này.

Sau đó, Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Việt Á tham gia đề tài. Bị cáo Sơn đồng ý và sửa lại phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và trình lãnh đạo ký. Đầu tháng 2-2020, Bộ KH-CN có quyết định thành lập hội đồng, tổ thẩm định kinh phí và giao Học viện Quân y chủ trì; Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài với kinh phí 18,98 tỉ đồng, thực hiện trong 18 tháng.

Sau khi được Bộ KH-CN giao đề tài, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu để tối ưu hóa. Ngày 10-2-2020, Hồ Anh Sơn ký bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm với Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu của đề tài nhưng không có nội dung chi tiết và công thức mồi và mẫu dò.

Khoảng giữa tháng 2-2020, Việt chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thủy (Phó tổng giám đốc Việt Á, vợ của Việt) mang bộ kit test Covid-19 (do Thủy nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác, xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gene đích để phát hiện ra vi rút) ra Hà Nội để đánh giá chất lượng.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng - cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN)

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng - cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN)

Sau khi có kết quả đánh giá, biết được bộ kit do Việt Á có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm của Học viện Quân y, Việt báo cáo Trịnh Thanh Hùng. Hùng yêu cầu Việt làm công văn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ kit do Việt Á đưa đến. Kết quả bộ kit của Việt Á đạt yêu cầu.

Đầu tháng 3-2020, Hùng yêu cầu Sơn làm văn bản đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài. Sau đó Sơn trình Giám đốc Học viện Quân y ký văn bản đề nghị Bộ KH-CN nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài. Trên cơ sở này, Bộ KH-CN kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng.

"Chỉ biết duy nhất Việt Á sẽ được cấp phép"

Khai báo trước Hội đồng xét xử (HĐXX), Trịnh Thanh Hùng cho biết, đầu năm 2020, dịp trước Tết Nguyên Đán, có nhận điện thoại của Hồ Anh Sơn. Theo Hùng, khi đó bị cáo Sơn nói Học viện Quân y tiếp cận được tài liệu của Đức và đã thử nghiên cứu kit test Covid - 19 nhưng chi phí cao nên cần Bộ KH-CN hỗ trợ.

Hùng trả lời, Học viện Quân y cần tìm doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO về kit test PCR, hợp tác nghiên cứu để nếu thành công, sản phẩm mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Cựu Phó vụ trưởng trình bày: “Sơn nói có quen một doanh nghiệp nhưng chỉ sản xuất kit que thử, không làm PCR nên bị cáo nhớ tới Phan Quốc Việt vì Công ty Việt Á từng hợp tác với Học viện Quân y phát triển kit PCR bệnh lao. Bị cáo gợi ý Sơn nên hợp tác cùng Việt Á và Sơn đồng ý”.

Sau đó, bị cáo Hùng gọi điện cho Phan Quốc Việt, bảo hợp tác với Học viện Quân y và từ đây, mọi việc do Việt và Sơn chủ động liên hệ, xây dựng hồ sơ, thuyết trình… còn ông ta không liên quan gì nữa.

Bị cáo Hồ Anh Sơn - Thượng tá, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Bị cáo Hồ Anh Sơn - Thượng tá, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Tuy nhiên, cáo trạng thể hiện, Học viện Quân y từng gửi công văn số 432 tới Bộ KH-CN đề nghị nghiên cứu nhưng bị cáo Hùng yêu cầu Học viện này bổ sung thêm nội dung phối hợp nghiên cứu cùng Công ty Việt Á.

Giải thích về việc này, bị cáo Hùng khai, khi đó nhu cầu là phải “có kit test nhanh nhất” nhưng Học viện Quân y không có chứng chỉ ISO liên quan nên dù nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm cũng không được Bộ Y tế cấp phép. Cho Công ty Việt Á vào tham gia, sản phẩm nghiên cứu thành công sẽ được lưu hành vì doanh nghiệp này có đủ điều kiện.

“Bị cáo làm việc 16 - 17 năm, chỉ biết duy nhất Công ty Việt Á là có chức năng, năng lực, sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép”- cựu Phó vụ trưởng của Bộ KH-CN Trịnh Thanh Hùng phân trần.

Đến lượt mình khai báo, cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn thừa nhận sai phạm và nói rõ bị cáo đã triển khai đề tài nhưng không được như kỳ vọng. “Tôi cùng với ông Việt, Hùng đã coi đó là sản phẩm của Việt Á. Bị cáo thực hiện không chính xác như hợp đồng. Là chủ đề tài nên chịu trách nhiệm về số tiền bị quy kết” - bị cáo Sơn nói.

Liên quan đến việc giới thiệu doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO 13485, bị cáo Sơn khai rằng, Hùng chỉ trao đổi qua điện thoại. Khi đề xuất đề tài, nhóm Học viện Quân y không thể tự tìm ra doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế nên khi Trịnh Thanh Hùng đề xuất Công ty Việt Á thì bị cáo đồng ý.

Ngoài ra, bị cáo Hồ Anh Sơn có nhắc tới cuộc gặp giữa 3 người (Sơn, Hùng, Việt) trao đổi trực tiếp tại quán cafe gần Bộ KH-CN với nội dung chỉ mong sản xuất ra kit nhanh nhất và chưa bao giờ bàn về lợi ích.

Phan Quốc Việt trình bày, đồng ý để Công ty Việt Á phối hợp cùng Học viện Quân y vì Trịnh Thanh Hùng nói “việc cấp bách” là phải có kit test Covid-19. Nhiệm vụ của Việt Á khi phối hợp với Học viện Quân y, theo văn bản của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ký là các phần việc liên quan nghiên cứu, sản xuất.

Quá trình trả lời thẩm vấn, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cũng có lời khai thống nhất như Trịnh Thanh Hùng, khẳng định bị cáo Hùng chỉ gọi điện nhờ Công ty Việt Á cố gắng phối hợp tham gia đề tài vì chỉ duy nhất Công ty Việt Á có đủ điều kiện để Bộ Y tế cấp phép.

Toàn bộ quá trình, bị cáo Hùng không trao đổi yêu cầu bị cáo phải có lợi ích. Tin nhắn trao đổi giữa hai người thể hiện rất rõ sản xuất đủ 20.000 kit test là sẽ dừng.

Phan Quốc Việt khẳng định, Công ty Việt Á khi sản xuất kit test có sử dụng nguồn chứng dương của đề tài. Phía Công ty Việt Á có nắm được danh sách những người tham gia đề tài của Học viện Quân y nhưng hai bên không phối hợp trực tiếp...

“Số tiền biếu bị cáo Hùng nhân dịp 2-9 và Tết dương lịch năm 2020 chỉ là tình cảm riêng của bị cáo không có hứa hẹn từ trước’’- Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt Á cho biết.