Viện phí tăng, kéo theo phí bảo hiểm

(ANTĐ) - Theo quan điểm từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thì một khi dự thảo điều chỉnh viện phí được thông qua, phí tham gia BHYT cũng sẽ tăng theo. Thế nhưng với mức phí mua BHYT hiện nay đã rất khó khăn để vận động các đối tượng tham gia.

Viện phí tăng, kéo theo phí bảo hiểm

(ANTĐ) - Theo quan điểm từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thì một khi dự thảo điều chỉnh viện phí được thông qua, phí tham gia BHYT cũng sẽ tăng theo. Thế nhưng với mức phí mua BHYT hiện nay đã rất khó khăn để vận động các đối tượng tham gia.

Nâng mức chi trả BHYT cho các kỹ thuật chi phí lớn để người bệnh đỡ khổ

Nhiều vướng mắc trong chi trả

Tại BV Đa khoa Đức Giang, số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là 125.000 trường hợp, chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số bệnh nhân đến khám, điều trị tại BV. Hiện tại, việc điều trị cho các bệnh nhân này được BV thực hiện theo hướng dẫn của Luật BHYT, tuy nhiên cũng gặp phải khó khăn không nhỏ từ cả phía BV lẫn bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho biết, ở Hà Nội, các BV được chia thành 3 hạng và mức thu viện phí, phí dịch vụ kỹ thuật y tế ở 3 hạng BV cũng khác nhau, gây mất công bằng. Chẳng hạn với kỹ thuật mổ ruột thừa nội soi, các BV hạng 1, hạng 2 đều thực hiện được như nhau, chi phí thực hiện kỹ thuật như nhau song ở BV hạng 2 như BV Đức Giang thì chỉ được thu mức phí dịch vụ bằng 80% mức thu của các BV hạng 1, mức BHYT chi trả cho dịch vụ thực hiện ở các hạng BV cũng có sự chênh lệch tương tự.

Ông Sơn cho rằng cần triển khai thanh toán BHYT theo định xuất song việc này phải trên cơ sở tính đúng, tính đủ có bù chi và tích lũy hợp lý. Bởi việc áp dụng mức thu giá viện phí một phần như hiện nay, Nhà nước cố gắng giữ giá viện phí ở mức thấp để người bệnh giảm gánh nặng chi phí y tế nhưng điều đó lại gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế.

Trong khi đó, người dân vẫn phải đóng viện phí đều đặn hàng năm thông qua phí tham gia BHYT và tất yếu là quyền lợi của họ không được đảm bảo. Chẳng hạn như với kỹ thuật nội soi đại tràng, giá thực hiện kỹ thuật vào khoảng 180.000đ/lần, song BHYT hiện chỉ thanh toán 30.000đ/lần. Hay các kỹ thuật cao, chi phí lớn như chụp cộng hưởng từ, CT… cần phải tuân theo quy luật thị trường nhưng chúng ta hiện thu thấp hơn nhiều còn BHYT thì chỉ hỗ trợ một phần cho các dịch vụ này, kết quả là BV cũng như người bệnh đều thiệt…

Tại hội nghị tổng kết thực hiện công tác khám chữa bệnh ngành y tế Hà Nội sáng 14-4, đại diện cơ quan BHXH và một số BV trên địa bàn thành phố đề nghị bổ sung và sửa đổi giá gần 200 dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn được quỹ BHYT thanh toán theo Quyết định số 36 do Bộ Y tế ban hành năm 2005. Trong đó có các thủ thuật như lọc máu liên tục, sinh thiết cơ tim, thay huyết tương…; một số phẫu thuật ngoại khoa khác.

Khó khăn để phát triển BHYT

Hệ quả khó tránh được nếu điều chỉnh giá viện phí là phí tham gia BHYT cũng sẽ tăng theo, tổng thể về cơ cấu tài chính y tế sẽ có sự thay đổi. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, nếu tăng giá viện phí thì trước hết cần phải tính toán điều chỉnh mức thu phí tham gia BHYT bởi một khi chưa điều chỉnh được mức thu mà đã tăng giá viện phí thì sẽ rất khó để cân đối thu chi quỹ.

Để việc tăng viện phí không phải là gánh nặng cho người bệnh nhất thiết phải thực hiện BHYT toàn dân, muốn vậy khoản chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước cấp cho các BV công lập hàng năm phải được chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân để họ có thể tham gia BHYT. Hơn nữa, việc tăng giá viện phí cũng phải cân nhắc đến khả năng chi trả của quỹ BHYT, bởi hiện nay quỹ thanh toán đến 70% chi phí dành cho khám chữa bệnh.

Trong khi đó, với mức thu phí BHYT như hiện nay, việc vận động toàn dân tham gia BHYT đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, đến hết năm 2010, Hà Nội có trên 4,1 triệu người tham gia BHYT, chiếm 63% dân số Thủ đô. Tuy nhiên với gần 40% dân số còn lại chưa tham gia BHYT thì việc vận động hết sức khó khăn do mức phí tham gia BHYT cao.

Chẳng hạn như đối với các đối tượng học sinh, sinh viên ở khu vực nông thôn thì mức thu phí bằng 3% lương tối thiểu như hiện nay là cao, dù đã được hỗ trợ 30% mức đóng, khiến tỷ lệ tham gia BHYT của các trường thuộc khu vực này thấp. Hay đối tượng cận nghèo, tuy đã được hỗ trợ 50% mức đóng nhưng số lượng tham gia vẫn thấp...

Theo ông Hòa, mặc dù khi điều chỉnh lương thì mức đóng BHYT cũng có sự thay đổi ở đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, thế nhưng cũng vẫn phải tính đến việc điều chỉnh mức đóng BHYT với mọi đối tượng khi xây dựng lại giá viện phí. Đấy là chưa kể đến rất nhiều khó khăn khác trong việc đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Duy Tiến

BHXH TP Hà Nội cho biết, đến hết năm 2010, toàn thành phố có 222 cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT (trong đó có 18 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân). Công tác khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT ngoại trú tăng 14,6%, nội trú tăng 23%. Thuốc phục vụ cho đối tượng BHYT tăng 30,1% so với năm 2009. Tổng số tiền thuốc BHYT chiếm 68,2%, đối tượng viện phí trực tiếp chiếm 21,8% trong tổng số tiền thuốc đã sử dụng.