Viện Kiểm sát và luật sư tranh luận gay gắt về vai trò, trách nhiệm các đương sự

ANTD.VN - Các luật sư cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của Công ty dược phẩm Thiên Sơn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nhân viên điều dưỡng…

Ngày 24-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ tám. Các luật sư và đại diện VKS tranh luận căng thẳng về vai trò, trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức...

Có chi tiết mới, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét

Mở đầu phiên tòa, ông Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn - cựu nhân viên Phòng Vật tư thiết bị của bệnh viện), tiếp tục phần bào chữa của mình. Theo đó, ông Thủy khẳng định bản truy tố của VKS chưa xem xét trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng mua, bán thiết bị chạy thận. Đặc biệt, theo quy định của Bộ Y tế, vai trò của điều dưỡng viên rất quan trọng trong việc báo cáo tình hình để bác sĩ ra y lệnh. Tuy nhiên, trong bản truy tố và quá trình điều tra không xem xét trách nhiệm của điều dưỡng là chưa phù hợp.

Viện Kiểm sát và luật sư tranh luận gay gắt về vai trò, trách nhiệm các đương sự ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

Vị luật sư cũng nhấn mạnh đến việc lãnh đạo giao nhiệm vụ cho bị cáo Sơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ vì bằng cấp của bị cáo không liên quan đến lĩnh vực được giao. Ngoài ra, bị cáo Sơn còn là nhân viên hợp đồng, không phải biên chế nên việc bàn giao công việc trên là thiếu hợp lý, chưa đủ căn cứ buộc tội Sơn. Đồng thời, vị luật sư yêu cầu HĐXX tuyên trả hồ sơ, cho bị cáo Sơn tại ngoại.

Đáp lại, đại diện VKS cho rằng dựa các bút lục, diễn biến tại phiên tòa khẳng định khi được giao nhiệm vụ bị cáo Sơn không từ chối. Vị đại diện VKS cũng khẳng định bị cáo Sơn từng đảm nhận nhiệm vụ này trong nhiều năm nên phải hiểu quy trình, việc không thực hiện lấy mẩu nước đi để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI là sai quy trình: “Vì vậy chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Sơn…”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Không đồng tình, Luật sư Phạm Quang Hòa (bào chữa cho bị cáo Sơn) bổ sung bằng câu hỏi: “Quy trình này là gì?, bị cáo nói chưa bao giờ thấy quy trình”. Nên tôi yêu cầu công bố quy trình này, có hay không? Vị luật sư này cũng “vặn” lại đại diện VKS, tại sao trong bệnh viện có người đủ năng lực, trình độ chuyên môn về kiểm tra, kiểm soát bảo dưỡng hệ thống lọc nước, nhưng không được giao trong khi lại giao cho bị cáo Sơn. Vậy trách nhiệm Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đến đâu? Ngoài ra, bị cáo Sơn đã thông báo cho điều dưỡng viên về tình trạng máy, nên không có trách nhiệm trong sự cố này.

Đối đáp lại, đại diện VKS khẳng định bị cáo Sơn có thông báo nhưng không đầy đủ. Liên quan đến chi tiết có nhân viên đủ trình độ, chuyên môn nhưng không được bệnh viện giao, đại diện VKS khẳng định đây là chi tiết mới, đề nghị HĐXX xem xét.

Đại diện VKS đối đáp với các vị luật sư trong phiên tòa 24-5

Mấu chốt của vấn đề đang nằm ở ông Trương Quý Dương

Cũng trong phiên xử sáng nay, luật sư Trần Vũ Hải (bảo vệ cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh), khẳng định mấu chốt của vấn đề đang nằm ở ông Trương Quý Dương, khi xảy ra vụ việc giữ vai trò Giám đốc Bệnh viện nhưng ông này hiện đã đi ra nước ngoài: “Nếu không mời được ông Dương về nước là bế tắc”, ông Hải nhấn mạnh.

Luật sư Trần Vũ Hải cũng cho rằng quá trình nghiên cứu hồ sơ không thấy Bộ Y tế có quy định nào cho rằng hỗn hợp acid flohydric (HF) và acid clohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc thuộc danh mục cấm, chỉ là những thuốc này không nằm trong danh mục. Vì vậy, việc quy kết cho bị cáo Quốc sử dụng chất cấm là sai.

Bên cạnh đó, vị luật sư cũng yêu cầu HĐXX xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm ban hành các quy trình về kiểm tra, giám sát việc thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

Đáp lại, đại diện VKS khẳng định nội dung sử dụng chất tẩy, rửa cấm sử dụng là dựa vào công văn trả lời của Bộ Y tế. Về việc cấm xuất cảnh đối với ông Dương, đại diện VKS cho rằng không đủ căn cứ để cấm.  

Liên quan đến hợp đồng Công ty dược phẩm Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế (đại diện Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) khẳng định nguyên nhân khiến 9 bệnh nhân bị tử vong là do việc chuyển nhượng hợp đồng giữa Công ty Dược phẩm Thiên Sơn và Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh.

Cụ thể, sau khi Công ty Dược phẩm Thiên Sơn ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thì ngay lập tức đơn vị này đã có một hợp đồng nhượng quyền cho một công ty khác không đủ năng lực: “Họ ký hợp đồng với bệnh viện 100 triệu đồng, nhưng sau khi nhượng lại cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh với mức tiền 50 triệu đồng, họ hưởng 50 triệu nhưng khi xảy ra vụ việc họ không hề có trách nhiệm…”, vị luật sư gay gắt và nhấn mạnh đến sự thiếu trách nhiệm của đơn vị này trong quá trình kiểm tra, giám sát theo hợp đồng đã ký với Bệnh viện.