Việc sản xuất trực thăng siêu lớn Mi-26T2V của Nga vẫn chật vật vì thiếu động cơ

ANTD.VN - Nga đang rất nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế động cơ Ukraine trên trực thăng siêu lớn Mi-26T2V, nhưng tình hình có vẻ chưa khả quan.

Vào đầu tháng 2/2022, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã công bố ý định đặt hàng 20 trực thăng vận tải siêu lớn Mi-26T2V, quá trình giao hàng dự kiến sẽ được hoàn tất vào khoảng giữa năm 2025.

Bộ Quốc phòng Nga khi đó đã nhận ra rằng dự án máy bay vận tải hạng nhẹ Il-112V của họ sẽ không thể hoàn thiện trong tương lai gần theo mọi nghĩa.

Nhưng có vẻ như những chiếc Mi-26T2V này cũng sẽ rất khó cất cánh, bởi hơn 10 năm qua, Nga đã không tự sản xuất động cơ cho trực thăng vận tải, cổng thông tin Defense 24 của Ba Lan có bài viết nhận định.

Quân đội Nga đã sử dụng trực thăng Mi-26 trong các trận giao tranh chống lại Lực lượng vũ trang Ukraine. Đặc biệt, chiếc Mi-26 đã thả quân tiếp viện tại Kharkiv vào tháng 9/2022.

Thực tế trực thăng vận tải Mi-26 không phải là phương tiện lý tưởng để hoạt động tiền tuyến do kích thước to lớn, chỉ nên sử dụng để hỗ trợ hậu cần ở tuyến sau.

Nhưng trở ngại lớn nhất đối với chiếc máy bay lên thẳng nói trên không phải đặc tính vận động, mà là về "trái tim" của nó. Hiện dòng Mi-26 vẫn sử dụng động cơ D-136 vốn được Ukraine thiết kế riêng cho loại trực thăng này.

Nga hiểu rằng phụ thuộc vào nguồn cung cấp động cơ D-136 sẽ khiến dự án sản xuất 20 chiếc Mi-26T2V "đi vào ngõ cụt". Nhưng mặt khác, Moskva lại bị cuốn hút bởi nhiều dự án khác nhau, đến nỗi hiện tại họ chưa thể sản xuất động cơ thay thế thích hợp.

Giải pháp tình thế đã được đề xuất, khi các kỹ sư hàng không Nga lên kế hoạch trang bị động cơ PD-8 trên Mi-26T2V, đây là một phiên bản của động cơ PD-14 (được sử dụng trên máy bay chở khách SSJ-100) với lực đẩy khi cất cánh giảm.

Nhưng vấn đề lớn là các cuộc thử nghiệm đối với PD-8 chỉ bắt đầu vào năm 2022. Động cơ thế hệ mới của Nga dường như đã thể hiện tốt trên "phòng thí nghiệm bay" Il-76, nhưng việc PD-8 hoạt động với Mi-26 như thế nào thì vẫn chưa thể nói trước.

Hơn thế nữa, trước tiên người Nga cần sản xuất ít nhất một nguyên mẫu của biến thể động cơ PD-8 đặc biệt để thử nghiệm trực tiếp trên chiếc Mi-26, công việc này chưa diễn ra và dự kiến sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Hơn nữa, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu ngành công nghiệp hàng không Nga có thể sản xuất hàng loạt động cơ PD-8 này hay không, hay sẽ chỉ dừng lại ở vài nguyên mẫu thử nghiệm đơn lẻ.

Tình hình bây giờ có thể tóm tắt như sau, người Nga đã đặt ra cho mình nhiệm vụ đến năm 2025, họ phải có một lô 20 chiếc trực thăng vận tải siêu lớn Mi-26T2V mới nhất với động cơ PD-8,

Nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây lại đang khiến Nga gặp rất nhiều khó khăn trong công tác nhập khẩu những trang thiết bị cần thiết để hoàn thiện sản phẩm đang nghiên cứu của mình.

Chính vì vậy, khả năng rất cao đó là Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ phải trì hoãn kế hoạch tiếp nhận 20 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T2V sản xuất mới vào năm 2025.