Vì sao vận tải cơ kỳ lạ An-72 không thể lặp lại thành công của An-26?

ANTD.VN - Mặc dù được thiết kế để thay thế vai trò của An-26, nhưng vận tải cơ phản lực An-72 lại không thực sự thành công, nguyên nhân là do đâu?

Máy bay vận tải hạng trung sử dụng động cơ phản lực An-72 (NATO gọi bằng cái tên Coaler) được phòng thiết kế Antonov tại Ukraine phát triển trong thời kỳ hoàng kim của Liên bang xô viết.

Mặc dù được thiết kế như một vận tải cơ cất hạ cánh đường băng ngắn nhằm thay thế chiếc An-26, nhưng các biến thể của An-72 lại thành công hơn với tư cách máy bay vận tải thương mại.

An-72 cất cánh lần đầu ngày 22/12/1977, tổng cộng đã có khoảng 200 chiếc xuất xưởng. Dòng phi cơ này có biệt danh Cheburashka (một nhân vật hoạt hình Nga nổi tiếng có đôi tai to) vì cách bố trí động cơ nằm phía trên cánh.

An-72 có phiên bản chở khách hạng sang được định danh An-72S và máy bay tuần tra biển An-72P. Biến thể dân dụng nổi tiếng nhất là An-74 chính thức ra mắt vào tháng 2/1984. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 50 chiếc An-72/74 đang hoạt động.

Thông số kỹ thuật cơ bản của máy bay vận tải An-72: kíp lái 3 người; chiều dài 26,58 m; sải cánh 25,83 m; chiều cao 8,24 m; trọng lượng rỗng 19.050 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 33.000 kg.

Máy bay trang bị 2 động cơ phản lực Lotarev D-36 lực đẩy 63,7 kN mỗi chiếc, cho tối độ tối đa 705 km/h, vận tốc hành trình 600 km/h; tầm bay 4.800 km; trần bay 11.800 m; có thể chở theo 32 - 68 hành khách.

Trong trường hợp cần thiết, vận tải cơ An-72 có thể mang theo vũ khí gồm 1 pháo 23 mm; 2 bệ phóng rocket UB-32M, hoặc 4 quả bom FAB-100 trọng lượng 100 kg dưới cánh.

Mặc dù là một thiết kế đời sau, sử dụng động cơ phản lực tân tiến hơn, nhưng An-72 lại bị nhận xét không đạt được nhiều thành công như "người tiền nhiệm" An-26 sử dụng động cơ cánh quạt cổ điển.

Để giải thích, các chuyên gia hàng không cho rằng giá thành động cơ, khung sườn và chi phí bảo dưỡng động cơ máy bay phản lực bao giờ cũng cao hơn nhiều lần máy bay sử dụng động cơ cánh quạt.

Với cùng một lực đẩy, động cơ phản lực nói chung (cả turbofan và turbojet) đều tiêu tốn nhiên liệu hơn nhiều lần so với động cơ cánh quạt như turboprop hay piston, do vậy thời gian hoạt động trên không ngắn hơn.

Máy bay vận tải phản lực giống một chiếc xe đua chỉ có một cấp trên hộp số. Ở tốc độ cao và độ cao lớn, động cơ phản lực không có đối thủ, nhưng ở độ cao thấp và tốc độ chậm nó lại rất yếu ớt so với động cơ cánh quạt.

Nhờ khả năng duy trì công suất cao ở tốc độ thấp, các máy bay vận tải cánh quạt như An-26 có thể cất hạ cánh từ những sân bay dã chiến chưa được chuẩn bị tốt hơn hẳn máy bay sử dụng động cơ phản lực dạng An-72.

Chính vì vậy thông thường chỉ có máy bay vận tải quân sự hạng nặng mới sử dụng động cơ phản lực và cấu hình phổ biến là 4 động cơ.

Trong khi đó, với những dòng máy bay vận tải có kích thước tương đối khiêm tốn như An-72 hoặc An-26, động cơ cánh quạt lại được ưa thích sử dụng hơn nhiều. Điều này giải thích vì sao số lượng An-26 hiện vẫn còn nhiều hơn An-72, cho dù cao tuổi hơn hẳn.