Vì sao Trung Quốc đặt tên cho tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông?

ANTD.VN - Tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh hay Sơn Đông được đặt theo tên của tỉnh nó được đóng, nhưng cộng đồng quốc tế không phải ai cũng biết rằng những tên gọi này mang một thông điệp nhắc nhở hải quân nước này về những bài học “cay đắng” trong quá khứ. Đó là các địa danh nơi hạm đội Bắc Dương, hồi cuối thế kỷ 19 được coi là mạnh nhất châu Á và mạnh thứ 8 trên thế giới nhưng đã bị hải quân Nhật Bản xóa sổ năm 1895.

Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay được đưa vào phiên chế, với tàu sân bay mới nhất mang tên Sơn Đông vừa được đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ khai trương vào tuần trước, đánh dấu một mốc quan trọng trong tham vọng về hải quân của Bắc Kinh.

Trước đó, Liêu Ninh- tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vốn được hoán cải từ chiến hạm cũ thời Liên Xô, được đặt tên theo tỉnh mà nó diễn ra quá trình tân trang.

Nhưng theo các nhà phân tích quân sự, tên gọi đó không đơn thuần là tên địa phương có trụ sở đóng tàu mà nó có thể mang ý nghĩa sâu xa hơn. Cả hai đều nhằm nhắc nhở Hải quân Trung Quốc về bài học “cay đắng” trong quá khứ.

Hai cái tên Liêu Ninh và Sơn Đông cũng như thời điểm chúng được công bố đều phản ánh những nỗ lực của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm củng cố tinh thần yêu nước và giáo dục chính trị đối với cả binh sỹ và dân thường Trung Quốc.

Theo trang tin của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), sau khi thua trận Thế chiến II, Nhật Bản đã chuyển cho Trung Quốc một tàu chiến vào năm 1945, trở thành tàu chiến đầu tiên của Hải quân PLA vào năm 1955 và được đổi tên thành Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây.

Tới nay, sau 64 năm, Bắc Kinh đã chọn ngày đưa tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên vào phiên chế là ngày 17-12 - ngày kỷ niệm thành lập Hạm đội Bắc Dương của triều đại nhà Thanh (1644-1911)

Trong một bài bình luận trên Xiakedao, một tài khoản truyền thông xã hội được cho là phiên bản của tờ báo đảng Nhân dân Nhật báo giải thích, Hạm đội Bắc Dương được thành lập vào ngày 17-12-1888 trên đảo Lưu Công, thuộc vịnh Uy Hải, tỉnh Sơn Đông.

“Nhưng không người Trung Quốc nào nên quên những gì đã xảy ra sau đó”, bài xã luận nói trên viết. Hạm đội Bắc Dương sau đó đã bị hải quân Nhật Bản xóa sổ trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật đầu tiên năm 1894-1895.

Khi đó, Đài Loan cùng các đảo bao gồm cả đảo Điếu Ngư - tới nay vẫn còn tranh cãi về chủ quyền - đã được nhượng lại cho Nhật Bản sau khi triều đình nhà Thanh thua cuộc và buộc phải trả 200 triệu lượng bạc để bồi thường chiến tranh.

Từ năm 2014, chuyên gia Liang Guoliang đã dự đoán rằng tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ được gọi là Sơn Đông. Cả Liêu Ninh và Sơn Đông đều có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân Trung Quốc khi nhà Thanh đặt căn cứ hải quân đầu tiên cho Hạm đội Bắc Dương là ở Liêu Ninh. Cả căn cứ hải quân đó và căn cứ ở vịnh Uy Hải ở Sơn Đông đều bị quân Nhật phá hủy.

Được biết, căn cứ hải quân Thanh Đảo của PLA ở tỉnh Sơn Đông đã có đóng góp quan trọng cho việc chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, bao gồm cả các phi công huấn luyện.

Một người trong cuộc quen thuộc với vấn đề này cho biết, chính quyền tỉnh cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chế tạo tàu sân bay Sơn Đông trong 6 năm qua.

“Một số kỹ thuật viên và thủy thủ làm việc trên tàu là người bản địa Sơn Đông. Tỉnh Sơn Đông sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc những công nhân và thủy thủ này khi nghỉ hưu. Cuối cùng, con tàu sẽ trở thành tài sản của tỉnh và có thể biến thành một bảo tàng giáo dục yêu nước trong vài thập kỷ tới khi nó ngừng hoạt động”, một nguồn tin nói.

Trường hợp tàu Liêu Ninh cũng tương tự như vậy. Trung Quốc đã dành 8 năm để tân trang tàu sân bay lớp Kuznetsov ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh sau khi mua nó từ Ukraine.

Liêu Ninh đã đi vào hoạt động năm 2012. Ông Liang Guoliang, một nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông nói rằng, cũng từ thời điểm này, các quan chức Bắc Kinh đã đưa ra quy định tên tàu sân bay phải là các tỉnh từng diễn ra các sự kiện cách mạng trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc

Theo PLA Daily, trước đó có quy định các tàu tuần dương lấy tên của các tỉnh, khu trục hạm lấy tên thành phố và tàu đổ bộ được đặt tên theo các ngọn núi

Trung Quốc có kế hoạch đưa 4 tàu sân bay vào hoạt động năm 2035, như một phần tham vọng xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh có thể hoạt động trên toàn cầu. Họ đã bắt đầu chế tạo chiếc thứ ba từ 2 năm trước và chiếc này có thể đi vào vận hành năm 2021.

Lần này, nhà phân tích quân sự Liang Guoliang dự đoán, các tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể là Quảng Đông và Quảng Tây, đều liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng cuối triều đại nhà Thanh