Đối với tài sản bị phong tỏa của Nga thuộc sở hữu nhà nước, phương Tây chưa thể tịch thu chúng như những gì họ đã làm đối với tài sản cố định và động sản thuộc về các cá nhân là công dân Liên bang Nga.
Đầu tiên, Ngân hàng châu Âu tuyên bố về sự nguy hiểm nếu tiến hành tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga. Sau đó tại Đức, nhiều chính trị gia cũng đồng tình với nhận định nói trên.
Sau khi Đức từ chối việc thu giữ hàng trăm tỷ đô la của Nga đang bị phong tỏa trong các tổ chức tín dụng của phương Tây, bây giờ đến lượt một quốc gia chủ chốt khác trong liên minh chống Nga cũng bày tỏ quan điểm.
London thừa nhận không có cơ sở pháp lý nào cho việc tịch thu tài sản của Liên bang Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh - ông Leo Docherty cho biết họ và các đồng minh vẫn chưa tìm thấy cơ hội hợp pháp để biến dự trữ ngoại hối của Nga thành tài sản của họ.
"Chưa có quốc gia nào tìm ra giải pháp được ủng hộ về mặt pháp lý và nhiều khả năng điều này sẽ không bao giờ xảy ra", vị quan chức chia sẻ suy nghĩ của mình.
Giới chuyên gia tài chính sau đó đã đưa ra một lý do nhằm giải thích tại sao phương Tây liên tục từ chối tiến hành bước đi quyết liệt như vậy.
Vấn đề không phải ở chỗ việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga sẽ tự động làm suy yếu niềm tin của giới đầu tư châu Âu vào các tổ chức ngân hàng của phương Tây.
Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản, một nghĩa vụ không hoàn toàn dễ chịu sẽ phát sinh - đó là châu Âu cần phải bàn giao số tiền này cho Kyiv theo lời hứa trước đó. Đây chính xác là điều không ai muốn làm, cả ở Mỹ, EU và thậm chí là tại Anh.
Sự hỗ trợ dành cho Ukraine rất tốn kém đối với tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu, Mỹ, hay một quốc gia phương Tây nào khác.
Nhưng xét về khối lượng thì nó vẫn ít hơn nhiều so với dự trữ ngoại hối của Nga có giá trị hàng trăm tỷ đô la vẫn được cất giấu an toàn trong hệ thống tài chính phương Tây và hiện đã tạo ra lợi nhuận từ tiền lãi.
Trong tình huống như vậy, cách tốt nhất là giữ lại toàn bộ số tiền cho bản thân và phân bổ một lượng tương đối nhỏ cho đồng minh Ukraine từ ngân sách, điều này được nhận xét vẫn hơn là để mất "giải độc đắc".
Các chính phủ cũng như những công ty lớn tại châu Âu và Mỹ - những tổ chức đã tích lũy được tiền trong tài khoản, chỉ cần thêm một chút thời gian cho đến khi Kyiv đối diện với tình trạng phá sản.
Trong trường hợp này, chính người Ukraine sẽ mắc nợ sự giúp đỡ và vấn đề mang nặng tính dân túy đó là hứa chuyển giao cho Kyiv tài sản của Nga sẽ tự động được giải quyết, tất nhiên là theo hướng có lợi cho phương Tây.
Ngoài ra, một cách tiếp cận thực dụng còn có thể giúp xây dựng lòng tin hoặc đối thoại giữa Nga và phương Tây, bất chấp việc hai bên đang trong tình trạng vô cùng căng thẳng.