Vì sao Nghị định 168/2024 có thể có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành?

ANTD.VN - Về thời điểm có hiệu lực của Nghị định 168/2024, theo các chuyên gia pháp lý, những Nghị định được ban hành theo thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày khi ký hoặc sau đó vài ngày.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng trong thực tế ngay từ đầu năm 2025 với mức phạt tăng mạnh so với quy định hiện hành. Không chỉ quan tâm đến số tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm, nhiều người còn đặt câu hỏi, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về thời điểm có hiệu lực của các nghị định?

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, Nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật. Trình tự xây dựng, ban hành một nghị định theo các bước: Đề nghị xây dựng, lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng, lập hồ sơ, thẩm định đề nghị, soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo...

Trật tự giao thông trên các tuyến đường đã có sự chuyển biến đáng kể

Ngoài quy trình thông thường, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Luật còn nêu rõ các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, bao gồm:

Thứ nhất, trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thứ hai, trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ năm, trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Tương ứng với 2 quy trình thông thường và rút gọn là thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Với nghị định ban hành theo trình tự, thủ tục thông thường, theo Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần nghị định sẽ được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Song với nghị định được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành…

Nghị định 168/2024 được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung nghị định 123/2021), do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông (Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng có hiệu lực từ đầu năm 2025) nên có thể có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành hoặc sau đó một vài ngày mà không cần chờ sau 45 ngày như các nghị định ban hành theo trình tự, thủ tục thông thường.