Vì sao Nga thẳng thừng từ chối 'phi quân sự hóa' nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia?

ANTD.VN - Nga đã thẳng thắn từ chối đề xuất "phi quân sự hóa" của Liên Hiệp Quốc, ông Putin dường như đang sử dụng nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia để giáng đòn mạnh lên giới chức Ukraine và cảnh báo phương Tây "hãy đứng ngoài cuộc xung đột".

Nhóm thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến thủ đô Kiev của Ukraine vào ngày 30/8 để đánh giá tình hình của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Động thái diễn ra sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế đối với Nga.

Và khi các thanh sát viên tiến về phía nhà máy điện Zaporizhzhia, họ phải đối mặt với tình huống mà ít ai có thể hình dung được: một nhà máy điện hạt nhân khổng lồ có thể bị trở thành công cụ để Nga cảnh cáo Ukraine và những quốc gia ủng hộ Kiev.

Nga và Ukraine liên tục cáo buộc nhau gây nguy hiểm cho nhà máy. Gần đây nhất, vào ngày 27/8, Ukraine cáo buộc Nga pháo kích quanh nhà máy.
Nga được cho là đã tìm ra cách sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm "quân bài" mặc cả. Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã điều phương tiện quân sự hạng nặng tới trú đóng tại nhà máy.

Các lực lượng của Nga đang kiểm soát cơ sở này và đặt cược Ukraine sẽ không mạo hiểm pháo kích nó vì nguy cơ kích hoạt đám mây phóng xạ khổng lồ. (Hình ảnh xe tăng Nga trấn đóng sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhizhia).

"Ảnh chụp ngày 21/8 cho thấy Nga duy trì hiện diện quân sự tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, các xe thiết giáp được triển khai trong bán kính 60 m từ lò phản ứng hạt nhân số 5", Bộ Quốc phòng Anh nhận định trong báo cáo tình hình chiến trường Ukraine ngày 25/8. (Hình ảnh được phía Anh công bố).

Cơ quan này cho rằng Nga tìm cách che giấu các xe quân sự bằng cách đỗ chúng dưới hệ thống đường ống và giàn đỡ, đồng thời chú thích vị trí được cho là những thiết giáp và xe tải quân sự tại nhà máy Zaporizhzhia.
Hồi đầu cuộc chiến, Moscow liên tục cảnh báo về mối đe dọa hạt nhân và có thời điểm đã đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động.
Không có bằng chứng cho thấy Moscow thực sự đã làm như vậy, nhưng thông điệp của Điện Kremlin đưa ra là quá rõ ràng: các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây hãy tránh xa xung đột.

Hôm 29/8, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington kêu gọi chủ động đóng cửa 2 lò phản ứng đang hoạt động và phi quân sự hóa khu vực xung quanh nhà máy để giảm nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Một nguồn tin cho hay, để đến được nhà máy hạt nhân này, các thanh sát viên phải vượt qua chiến tuyến, trong bối cảnh không bên nào tuyên bố ngừng bắn để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm của phái đoàn IAEA

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã có cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev với hy vọng tìm được lối đi an toàn tới nhà máy này.

Ở động thái mới nhất, phía Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, Ukraine đã cử hai nhóm biệt kích gồm khoảng 60 binh sĩ đổ bộ gần khu vực nhà máy điện hạt nhânZaporizhzhia do Nga kiểm soát ở miền Nam.

Theo đó, nhóm biệt kích này đã dùng 7 thuyền vượt qua hồ chứa Kakhovka, đổ bộ khu vực cách nhà máy khoảng 3km vào rạng sáng nay 1/9.

Quân đội Nga đã lập tức hành động để ngăn chặn nhóm biệt kích của Ukraine.Bộ Quốc phòng Nga cho hay, khoảng 2 giờ sau khi nhóm biệt kích đổ bộ, Ukraine bắt đầu pháo kích thành phố Energodar, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Theo Moscow, những hành động này của Kiev nhằm làm gián đoạn chuyến thị sát của IAEA đến nhà máy hạt nhân vốn liên tục bị pháo kích thời gian qua. Ukraine hiện chưa lên tiếng về cáo buộc trên.

IAEA được thành lập vào năm 1957 với nhiệm vụ chính là xác minh vật liệu hạt nhân được sử dụng cho mục đích dân sự không bị chuyển hướng sang các chương trình vũ khí quân sự.

Đây là điều đã khiến IAEA trở thành nhân tố quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein và hiện nay là tiến trình phi hạt nhân hóa của Iran.

Nhưng ông Grossi thừa nhận, chưa bao giờ phải đối mặt với thách thức lớn như tình hình ở Zaporizhzhia hiện nay.

IAEA có quyền báo động nếu có bằng chứng cho thấy, nhiên liệu hạt nhân dân sự đang được chuyển hướng sang cho mục đích quân sự và giúp đào tạo công nhân về các quy trình an toàn.

Nhưng họ chưa bao giờ phải đối phó với mối lo như hiện tại: chiến tranh đang hoành hành và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đang trở thành nơi giao tranh trong cuộc xung đột Ukraine.

IAEA không thể ra lệnh thiết lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy, hoặc chấm dứt pháo kích. Tổ chức này cũng không có chuyên môn hoặc đơn vị tình báo để có thể xác định lực lượng nào chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công.

Mỹ kêu gọi ngừng hoạt động có kiểm soát các lò phản ứng hạt nhân. Nhưng làm như vậy sẽ khiến Ukraine không có nguồn cung cấp điện quan trọng.
Trước chiến tranh, 6 lò phản ứng của nhà máy đã sản xuất khoảng 1/5 tổng lượng điện năng ở Ukraine và khoảng 50% lượng điện năng được tạo ra từ hạt nhân, giúp nước này không còn phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Nhà Trắng hy vọng rằng, việc đóng cửa sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra trận đại hồng thủy" về rò rỉ hạt nhân, ngay cả khi không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro đó.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy này. "Cơ sở này không nên được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, cần có thỏa thuận để tái lập cơ sở hạ tầng dân sự thuần túy của Zaporizhzhia và đảm bảo an toàn cho khu vực", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.

"Bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đều là tự sát", ông Antonio Guterres ngày 18/8 nói trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở thành phố Lviv.

Trả lời báo giới hôm thứ Năm, một Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết ý tưởng phi quân sự hóa là “không thể chấp nhận được”. Ông cho rằng động thái này có thể khiến cho nhà máy dễ bị tổn thương hơn.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 24/8, ông Mykhailo Podolyak, phụ tá của Tổng thống Zelensky bày tỏ hy vọng, các thiết bị giám sát sẽ sớm được gửi đến nhà máy này.

Ông cáo buộc các lực lượng Nga đang bắn pháo dọc theo các tuyến đường mà thanh tra viên có thể sử dụng để đến nhà máy. "Nga đang cố gắng gây áp lực tâm lý cho phái đoàn, để họ hoảng sợ và hủy bỏ chuyến thăm", ông Podolyak nói.

Nga chưa bình luận về tuyên bố trên, nhưng trong nhiều tuần, đã có nhiều tranh cãi về việc liệu các thanh tra viên sẽ đi qua lãnh thổ Ukraine hay Nga để đến nhà máy này.

Zaporizhzhia không phải là nhà máy hạt nhân đầu tiên trở thành trung tâm của một cuộc xung đột.

Israel đã ném bom lò phản ứng Osirak ở Iraq vào năm 1981 và một nhà máy nghi do Triều Tiên hỗ trợ xây dựng ở Syria vào năm 2007, để ngăn cả hai nước này lấy nhiên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nhưng lúc đó, cả hai cơ sở đều đang được xây dựng và chưa có nhiên liệu hạt nhân bên trong, vì vậy hành động quân sự không có nguy cơ gây bùng nổ phóng xạ.

Mỹ và Israel đã cùng tiến hành các cuộc tấn công mạng hủy diệt vào địa điểm làm giàu hạt nhân Natanz của Iran hơn một thập niên trước, trong chiến dịch bí mật nhằm ngăn chặn Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Nhưng việc này không có nguy cơ xảy ra vụ nổ hạt nhân, và tương đối ít rò rỉ phóng xạ trên diện rộng, bởi vì các máy ly tâm tạo ra uranium làm giàu mức độ thấp nằm sâu dưới lòng đất.

Nhiều chuyên gia nhận định, những gì đang xảy ra ở Ukraine lại khác. Hiện tại, nhà máy được các nhân viên người Ukraine vận hành, nhưng chịu sự kiểm soát của quân đội Nga.

Tất nhiên, nếu xảy ra sự cố, khó có thể nói bên nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn: Nga hay Ukraine hay các nước châu Âu khác. Điều đó có thể phụ thuộc vào hướng gió thổi.

Nhưng thực tế là việc Nga đang chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia đã mang lại nhiều lợi thế hơn cho Mosocow.