Vì sao Mỹ không thể điều khiển NATO một cách trơn tru trong phong tỏa Nga?

ANTD.VN - Mỹ dù rất muốn dùng NATO để phong toả Nga về nhiều mặt, song mọi chuyện không dễ dàng. Một vài quốc gia thành viên của liên minh quân sự này có chính kiến riêng và không thuận theo sự điều khiển áp đặt của Mỹ.

Nga đã nhận được tín hiệu tốt từ Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc căng thẳng với NATO có dấu hiệu leo thang, tờ báo Trung Quốc Baijiahao mới đây đăng bài viết về chủ đề này.

Như đã biết, thời gian qua phương Tây đã áp đặt vô số biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chống lại Nga.

Nhưng trong khi chiến dịch chống Nga của phương Tây tiếp diễn, các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng, ngày càng có sự thiếu đoàn kết giữa các thành viên NATO.

Hơn thế gần đây có quốc gia thành viên đã có động thái từ chối tuân thủ các yêu cầu của Mỹ (quốc gia dẫn dắt liên minh) đối với Liên bang Nga.

“Có một sự thiếu đoàn kết, thậm chí thách thức vị thế dẫn đầu của Mỹ”, các nhà phân tích của ấn phẩm Trung Quốc cho biết.

Tất cả đều biết thời gian qua Mỹ gia tăng sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu nước này cắt đứt liên lạc với Nga và đặc biệt là cần phải ngừng ngay hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

Washington đã đưa ra những yêu cầu như vậy đối với Ankara trước đây, diễn biến trên đã trở nên quen thuộc, nhưng lần này mọi thứ diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm đối với phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế là hiện tại, cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra và chưa ngã ngũ khi phải tiến hành vòng hai, nhà lãnh đạo hiện tại, Tổng thống Recep Tayyiv Erdogan vẫn chưa giành được chiến thắng cho dù nắm trong tay lợi thế.

Trong bối cảnh tình hình hiện tại, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tưởng như rất cần sự ủng hộ của Washington để thuận lợi hơn trong cuộc đua thì ông lại hành động theo cách đầy bất ngờ đối với chính quyền Mỹ.

Ông Erdogan công khai tuyên bố rằng bản thân sẽ không ngừng liên lạc với Nga, rõ ràng Washington sẽ không thích sự thật này. Không chỉ có vậy, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn lưu ý rằng ông sẽ tiếp tục tương tác chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin.

Tác giả bài phân tích trên tờ Baijiahao viết: “Như vậy, toan tính của Mỹ nhằm vào Nga phần nào bị phá sản".

Ankara không những sẽ không tuân theo yêu cầu của Washington trong mọi việc, mà còn sẵn sàng hợp tác cùng có lợi với Moskva.

Tình trạng này đã trở thành một vấn đề không hề đơn giản với Mỹ.

Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ còn tỏ rõ lập trường khi từ chối kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự khiến Mỹ và nhiều quốc gia thành viên NATO khác không hài lòng.