Vì sao Mỹ bất ngờ lo ngại về hệ thống Vòm Sắt trong việc bảo vệ Israel?

ANTD.VN - Các quan chức Mỹ lo ngại rằng dù hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) hiệu quả trong việc đánh chặn, nhưng chúng có thể quá tải nếu Hezbollah huy động kho tên lửa và UAV tập kích Israel trong trường hợp xung đột toàn diện.
Dù được đánh giá cao về hiệu quả đánh chặn, tuy nhiên Washington không khỏi lo ngại hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) quá tải khi mà xung đột giữa Tel Aviv và Hezbollah leo thang.

Điều này được ba quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ hôm 20/6 nói với CNN rằng Washington có "những lo ngại nghiêm túc" về nguy cơ Hezbollah ở Lebanon sử dụng kho vũ khí để tập kích Israel khiến cho hệ thống này quá tải khi xung đột toàn diện xảy ra.

"Chúng tôi đánh giá rằng ít nhất một vài khẩu đội Vòm Sắt sẽ bị quá tải hoàn toàn", một quan chức cho hay.
Nhóm quan chức Mỹ nói rằng Tel Aviv cũng từng đề cập mối lo ngại này với Washington, trong đó quân đội Israel nói rằng Vòm Sắt dễ tổn thương trước kho tên lửa và máy bay không người lái (UAV) dồi dào, liên tục tăng cường số lượng của Hezbollah.
Một quan chức Israel thừa nhận nguy cơ này có thể trở thành hiện thực nếu Hezbollah tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí dẫn đường chính xác cao, loại khí tài có thể đặt ra nhiều thách thức cho Vòm Sắt.
Giới chức Israel những năm qua từng nhiều lần bày tỏ lo ngại việc nhóm vũ trang Lebanon tích trữ kho tên lửa và đạn dẫn đường do Iran chế tạo.
Hiện giới chức quân đội Israel chưa bình luận về thông tin này.
Trong số các tổ hợp phòng không tạo thành lưới lửa phòng thủ đa tầng của Israel có Iron Dome, loại vũ khí được coi là "Vòm sắt" bảo vệ cho người Do Thái.
Theo nhà sản xuất Rafael Defense Systems của Israel, "Vòm Sắt" có tỷ lệ thành công 90%.
"Vòm sắt" hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không.
Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.
Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định.
Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.
Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến.
Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Đạn tên lửa của hệ thống "Vòm sắt" có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.
Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy sẽ tính toán quỹ đạo bay và đưa ra tọa độ rơi của quả đạn.
Nếu quả đạn được xác định sẽ rơi đúng vào khu vực đông dân cư, tên lửa đánh chặn từ "Vòm sắt" được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay còn khi đang bay trên không.
Một tổ hợp Iron Dome hoàn chỉnh có giá khoảng 50 triệu USD, gồm ba thành phần chính là radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, hệ thống quản lý tác chiến và điều khiển hỏa lực (BMC) và 3-4 bệ phóng đạn (MFU).
Mỹ tiếp tục đầu tư một khoản tiền cực lớn để giúp Israel nghiên cứu và tăng tầm bắn cũng như hiệu suất chiến đấu của tổ hợp "Vòm sắt".
Israel đang vận hành khoảng 20 hệ thống "Vòm sắt" và có thể biên chế thêm một số tổ hợp mới trong tương lai.