Vì sao giá vàng thế giới giảm, trong nước lại tăng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc tỷ giá USD tăng khiến giá vàng giảm mạnh khi đo lường bằng đồng USD, tuy nhiên, tại thị trường trong nước, kim loại quý lại có chiều hướng ngược lại.

Sáng nay, giá vàng SJC trong nước được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66,90 – 67,50 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 66,90 – 67,52 triệu đồng/lượng tại thị trường Hà Nội, Đà Nẵng. So với cùng giờ sáng hôm qua, thương hiệu vàng quốc gia đã được doanh nghiệp này điều chỉnh tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi lượng.

Tại DOJI, vàng SJC cũng niêm yết ở mức cao, 66,85 – 67,60 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu thậm chí lên tới 67,00 – 67,58 triệu đồng/lượng...

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với thị trường thế giới. Trong phiên giao dịch đêm qua tại thị trường Mỹ, vàng giao ngay đã giảm thêm 6,3 USD mỗi ounce, chốt phiên tại 1.906,8 USD/ounce.

Sang đến sáng nay, kim loại quý tiếp tục đi xuống ở thị trường châu Á, hiện đang giao dịch quanh 1.905,7 USD/ounce.

Giá vàng trong nước diễn biến trái ngược với vàng thế giới

Giá vàng trong nước diễn biến trái ngược với vàng thế giới

Việc giá vàng trong nước đi ngược thị trường thế giới chủ yếu đến từ diễn biến tỷ giá USD. Trong khi vàng được định giá bằng USD giảm do sức mạnh đồng USD tăng thì nó sẽ trở nên đắt đỏ hơn nếu được định giá với các đồng tiền bị mất giá so với USD.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index đã tăng 0,35% trong phiên giao dịch 14/8 lên mức 103,05. Tại Việt Nam, tỷ giá cũng liên tục có xu hướng tăng những ngày gần đây.

Sáng nay NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.881 VND/USD, tăng tới 33 VND mỗi USD so với phiên hôm qua. Trong phiên đầu tuần, tỷ giá cũng đã tăng 11 đồng.

Việc đồng USD tăng giá đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt của họ. Tuần trước, dữ liệu cho thấy CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Mỹ tăng vừa phải trong tháng Bảy. Nhưng vì giá sản xuất tăng nhẹ hơn dự kiến nên một số thành viên của Fed đang bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát của họ vẫn chưa kết thúc và có thể là họ sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Thêm vào đó, dữ liệu kinh tế gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh mẽ và kiên cường và phần lớn đã khiến Cục Dự trữ Liên bang và các nhà kinh tế tin rằng không có khả năng xảy ra suy thoái. Từ viết tắt mới cho trò chơi kết thúc chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed không còn là “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm” mà là “không hạ cánh”.

Ý nghĩa đằng sau từ viết tắt này là tăng trưởng kinh tế quá mạnh để cho phép lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% của Fed một cách dễ dàng, cho thấy rằng Fed sẽ cần tăng lãi suất bổ sung để đảm bảo con đường thích hợp đến mục tiêu 2% của họ.

Tuy nhiên, theo công cụ FedWatch của CME, điều đó sẽ không xảy ra tại cuộc họp FOMC vào tháng tới với xác suất 88,5% rằng Fed sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong khoảng từ 5,25% đến 5,5%. Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự kiện quan trọng tiếp theo là việc công bố biên bản cuộc họp FOMC tháng trước vào thứ Tư.