Vì sao chăn nuôi Việt Nam phát triển nhưng vẫn chỉ nhập thịt mà khó xuất khẩu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngành chăn nuôi phát triển mạnh, tuy nhiên điểm yếu lớn nhất là xuất khẩu rất hạn chế. Cả năm 2022, giá trị xuất khẩu thịt động vật và các sản phẩm từ động vật chỉ đạt 400 triệu USD.

Tại buổi tọa đàm do Cục Thú y và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào chiều 14/8, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi thì cần xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là giải pháp đầu tiên và có tính khả thi.

Theo ông Long, những năm gần đây ngành chăn nuôi phát triển mạnh, tuy nhiên điểm yếu lớn nhất là xuất khẩu rất hạn chế. Cả năm 2022, giá trị xuất khẩu thịt động vật và các sản phẩm từ động vật chỉ đạt 400 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với giá trị nhập khẩu.

Theo Cục trưởng Cục Thú y, nguyên nhân là do ngành chăn nuôi còn ở quy mô nhỏ lẻ, các yêu cầu về vệ sinh thú y chưa đạt theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và cốt lõi là ở Việt Nam vẫn còn lưu hành nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người khiến các nước nhập khẩu quan ngại.

Việt Nam có ngành chăn nuôi phát triển nhưng xuất khẩu còn rất hạn chế

Việt Nam có ngành chăn nuôi phát triển nhưng xuất khẩu còn rất hạn chế

"Việt Nam rất khó đạt là quốc gia an toàn dịch bệnh nhưng một trong những giải pháp đầu tiên, có tính khả thi là xây dựng được cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh", ông Long nói, và cho biết, để làm được điều này, Cục Thú y đã trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch số 889/QĐ-TTg ngày 25/7 về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để xuất khẩu; tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 24 sửa đổi thay thế Thông tư 14 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Ông Long khẳng định, các quy định trong Thông tư 24 về cơ bản đáp ứng theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới vì Cục Thú y mong muốn ngành chăn nuôi Việt Nam phải tiếp cận với thế giới, không thể một mình một chợ.

Tuy nhiên, Thông tư 24 có quy định khác so với thế giới. Nếu theo quy định của thế giới thì phải căn cứ vào từng loài vật nuôi, từng loại dịch bệnh, nguy cơ các dịch bệnh để có tần suất, số lượng lấy mẫu nhiều hơn, như vậy sẽ tốn kém rất nhiều chi phí.

Trong Thông tư 24, Cục Thú y chỉ để tần suất lấy mẫu 2 lần/năm. Còn với nhóm các cơ sở cần đảm bảo an toàn dịch bệnh để xuất khẩu động vật, các sản phẩm từ động vật sang các nước thì Cục Thú y có hướng dẫn riêng để làm chuẩn theo quy định chung của thế giới.

Ngoài ra, Thông tư 24 cũng quy định, chủ cơ sở, chủ doanh nghiệp chăn nuôi hoàn toàn chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn dịch bệnh tại cơ sở của mình, vì đây là tài sản, là trách nhiệm của chủ cơ sở, chủ doanh nghiệp. Cục Thú y chỉ đưa ra những hướng dẫn, yêu cầu về kỹ thuật cụ thể để các cơ sở tự làm được. Cục Thú y và chi cục địa phương chỉ hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận cho cơ sở đó để làm giảm thủ tục hành chính.

Trước đây, theo Thông tư 16 thì các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phải thực hiện 22 thủ tục hành chính nhưng đến Thông tư 24 chỉ còn 8 thủ tục hành chính, giảm 70% so với trước đây.