Vì sao cần phân quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo phân quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho Thành phố Hà Nội, nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị...

Việc phân quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho Thành phố Hà Nội cũng tạo điều kiện cho thành phố được điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù các quy hoạch đều có những dự báo, tính toán, nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, trong khi quá trình triển khai quy hoạch có thể cần phải có những điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế khách quan nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hànhsẽ tiếp tục gây trễ việc thực hiện quy hoạch.

Để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, không làm phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tại khoản 3 Điều 19 đã quy định UBND thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên cơ sở trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quy định. UBND thành phố Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện việc điều chỉnh cục bộ.

Về di dời các cơ sở, đơn vị trong khu vực nội đô lịch sử và khu vực đô thị trung tâm, quy định mới này điều chỉnh cho phép mở rộng quy mô giường bệnh là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay, dân số của Hà Nội khoảng 8,5 triệu người. Từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ tăng dân số ở đô thị là 49,82% trong khi ở nông thôn chỉ là 7,46%. Như vậy, việc tiếp tục duy trì một số bệnh viện hiện có với quy mô phù hợp, vừa đáp ứng được nhu cầu của dân cư của Hà Nội và người dân cả nước, đồng thời đáp ứng mục tiêu di dời các cơ sở y tế gây ô nhiễm ra khỏi đô thị trung tâm.

Về sử dụng quỹ đất sau di dời để ưu tiên sử dụng để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đây là một quy định mới trong dự thảo nhằm cụ thể hoá yêu cầu tại Nghị quyết 15-NQ/TW. Song để tránh việc tùy tiện, lạm dụng trong việc tổ chức thực thi quy định này, đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định rõ quỹ đất sau khi di dời chỉ được sử dụng để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, như: trường học phổ thông,thư viện, không gian, công trình văn hoá và thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh... để phục vụ cho dân cư trong đô thị trung tâm.

Về quy hoạch, phát triển, khai thác không gian ngầm, khoảng không, dù đã được nêu trong Luật Quy hoạch đô thị, song một số vấn đề về tiêu chuẩn, khai thác, đầu tư, kinh doanh sử dụng không gian ngầm chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể. Đặc biệt, trong các khu vực khi khả năng vận chuyển hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu của số đông dân cư thì các chỉ tiêu quy hoạch, nhu cầu sử dụng không gian ngầm, khoảng không tại khu vực này sẽ khác với các khu vực thông thường. Do đó, vấn đề này cần có quy định đặc thù cho Thủ đô.