Vì sao cần cấp thiết ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù về xây dựng công trình giao thông đường bộ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, nhiều ĐBQH cho rằng việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong khi triển khai…

Phát biểu tại hội trường sáng 9-11 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cơ bản đồng tình với 5 nhóm cơ chế, chính sách như trong dự thảo.

Theo đại biểu, hơn 1 năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội - dự án đường bộ có tính chất liên vùng, quy mô lớn, đa dạng hình thức và nguồn vốn, đã và đang được triển khai rất tích cực.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu

Từ thực tế triển khai đường vành đai 4 vùng Thủ đô, đại biểu cho biết, khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP là sự chưa thống nhất giữa Luật PPP và Nghị định 35 (chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công).

Đại biểu cho rằng, với đặc thù dự án công trình giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương, tương ứng với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khác nhau, đan xen nguồn vốn khác nhau sẽ làm dự án khó được thực hiện hoàn thành, gây khó khăn cho các cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai các hạng mục dự án.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị cần cập nhật bổ sung cơ chế đối với loại dự án theo hướng tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể, giao các địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện.

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm tháo gỡ vướng mắc, nút thắt về đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thảo luận

Đại biểu nhận thấy, lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công rất lớn chiếm tỉ lệ vốn cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư những công trình, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, trong đó đã hoàn thành nhiều tuyến đường bộ cao tốc từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi với các tuyền đường cao tốc và tỉnh lộ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ băn khoăn với Luật PPP chỉ quy định tỉ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị việc hợp tác đầu tư công tác cần cân nhắc tỉ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án, thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án quá dài.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đại biểu cho rằng cần có Nghị quyết đặc thù, cơ bản thống nhất 4 nhóm chính sách chính của cơ chế PPP: tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia các dự án PPP; cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án tăng thu nguồn ngân sách Trung ương, giao cho một số địa phương quyết định chủ trương đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác…