“Vết sẹo” khó lành

(ANTĐ) - Đúng như dự đoán, cộng đồng người Serbia ở Kosovo đã tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên ở vùng đất này. Sau hơn một thập kỷ kể từ khi NATO dùng vũ lực tách Kosovo khỏi Serbia, “vết sẹo” mâu thuẫn sắc tộc vẫn hiện hữu.

“Vết sẹo” khó lành

(ANTĐ) - Đúng như dự đoán, cộng đồng người Serbia ở Kosovo đã tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên ở vùng đất này. Sau hơn một thập kỷ kể từ khi NATO dùng vũ lực tách Kosovo khỏi Serbia, “vết sẹo” mâu thuẫn sắc tộc vẫn hiện hữu.

Mâu thuẫn sắc tộc vẫn diễn ra căng thẳng ở Kosovo

Kể từ khi cuộc chiến tranh Balkan chấm dứt năm 1999, vùng lãnh thổ Kosovo vốn thuộc Serbia bị chuyển cho một phái bộ LHQ quản lý. Tháng 2-2008, được sự hậu thuẫn của Mỹ và EU, Kosovo đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Serbia bất chấp sự phản đối kịch liệt của Belgrad.

Chính vì thế, cuộc bầu cử lần đầu tiên này được coi là bài sát hạch chứng tỏ khả năng tự cai quản của Kosovo. Tuy nhiên, khoảng 40 nghìn người Serbia, chiếm 1/3 cử tri ở Kosovo, đã tẩy chay cuộc bầu cử.

Đó là bằng chứng cho thấy mục tiêu hòa giải giữa người Albania chiếm đa số với người Serbia thiểu số vẫn chỉ là hy vọng. Mâu thuẫn sắc tộc vẫn diễn ra gay gắt và hệ quả là 120 nghìn người Serbia ở Kosovo kiên quyết từ chối hợp tác với các thể chế do người gốc Albania điều hành cũng như Phái bộ cảnh sát và tư pháp châu Âu. Họ hy vọng một ngày nào đó sẽ được tái hợp với “vùng đất mẹ” Serbia.

Điều trớ trêu là được phái đến Kosovo dưới danh nghĩa bảo vệ người Albania khỏi sự đàn áp của chính quyền Serbia, nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO (K-For) lại phải đứng ra làm nhiệm vụ bảo vệ thiểu số người Serbia khỏi nguy cơ “thanh lọc sắc tộc” do những người Albania tiến hành.

Nhiều nhóm vũ trang người Serbia ở Bắc Kosovo đã hình thành và cảnh báo sẽ tấn công chính quyền, cũng như đòi thành lập nhà nước riêng, tách khỏi Kosovo. Tình hình nghiêm trọng tới mức chẳng ai dám chắc liệu Kosovo có bị “chia năm sẻ bảy” nữa không.

Trong khi đó, kinh tế Kosovo vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Dù hàng tỷ USD viện trợ đã được đổ vào nhưng cũng chẳng khác nào như muối bỏ biển, chỉ đủ xây dựng lại một số khu dân cư và một vài tuyến đường bộ. Cuộc sống của người dân Kosovo vẫn rất khó khăn.

Ngoài lý do vị trí địa lý đặc biệt là không có đường sông, đường biển thuận lợi, giao thông kém phát triển thì Kosovo còn bị cô lập ngay với các quốc gia láng giềng. Hệ quả là khoảng 50% số dân Kosovo sống trong tình trạng nghèo khổ, hơn 30% thanh niên thất học và 40% số dân thất nghiệp.

Trên diễn đàn quốc tế, sự cô lập của Kosovo còn hiện rõ hơn. Trong một kỳ họp của Đại hội đồng của LHQ, Tổng thống, Thủ tướng và Ngoại trưởng của Kosovo đã buộc phải ra khỏi phòng họp sau khi Ngoại trưởng Serbia khẳng định các quan chức Kosovo không phải đến từ một quốc gia có chủ quyền nên không đủ tư cách có mặt tại diễn đàn của LHQ.

Chẳng những Serbia mà đa số các nước trên thế giới, trong đó có hai thành viên HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động ly khai của Kosovo.

Tương lai của Kosovo chỉ có thể giải quyết dựa trên Nghị quyết 1244 của HĐBA LHQ quy định giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Kosovo cần tính đến sự tự quản cho Kosovo đi kèm với việc tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư (nay là Serbia) và các nước khác trong khu vực. Chỉ có như vậy thì “vết sẹo” sắc tộc ở Kosovo mới có thể xóa đi được.

Hoàng Sơn