Vẽ là để chia sẻ

ANTĐ - 40 năm dọc ngang khắp các nẻo đường nơi cao nguyên đá, những phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu, họa sĩ Đỗ Đức dường như đã trở thành một người Mông, người Pờ Lao thực thụ, cho dù quê gốc của anh ở Hà Nội. Hiểu, yêu mảnh đất và con người nơi đây, nên hình ảnh cao nguyên đá trong mỗi bức tranh của Đỗ Đức không chỉ đơn thuần là đá, mà nó còn mang hình ảnh của những con người vững như đá, chia sẻ mọi nỗi niềm cùng đá, đá và người song hành tồn tại mãi với thời gian.

Lắng nghe hơi thở của đá

Lần đầu tiên họa sĩ Đỗ Đức đặt chân tới cao nguyên Đồng Văn - Hà Giang, đó là vào năm 1973, cũng là lần đầu tiên anh tận mắt thấy sự phong phú màu sắc trong trang phục của đồng bào vùng cao, và tận tai nghe thấy ngôn ngữ về cuộc sống rất khác biệt. Cuộc sống nơi miền cao đã khiến anh si mê. Nhưng từng ấy thôi thì chưa đủ để anh có thể vẽ về vùng cao đầy cảm xúc và sâu sắc mà căn nguyên cụ thể hơn lại đến từ những chuyến đi chỉ biết “lên ngược” mà không biết “về xuôi” khi anh còn công tác tại Nhà xuất bản Dân tộc. Đỗ Đức đã thực sự hòa mình vào không gian của núi rừng, hiểu rõ về con người nơi đây với những triết lý sống giản dị mộc mạc mà đầy sâu lắng. Và từ đó đến nay, anh không nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến đi tới vùng địa đầu Tổ quốc. Anh gom tất cả vào bộ nhớ, vào những ký họa. Và chỉ đến khi “bộ nhớ” ấy đã đầy, những ký họa đã chất chật ních nhà, khi đó Đỗ Đức mới chợt nảy ra ý tưởng sẽ vẽ một chuyên đề về cao nguyên đá. 

Đỗ Đức đã vẽ bằng sự  hăng say và chải chuốt đến từng nét vẽ, khiến người xem cảm nhận được những rung động của người họa sỹ đứng trước khung cảnh núi non trùng điệp hay vẻ đẹp của những con người vững như đá. Đỗ Đức có con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa, thâm nhập sâu vào đời sống của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên cao nguyên vô tận. Mỗi lần lên cao nguyên đá là một lần anh có dịp ngồi với đá, trò chuyện với đá, lắng nghe hơi thở của đá để hiểu về một vùng núi non hùng vĩ mà mùa đông luôn được phủ trong tấm chăn sương mù khổng lồ, mùa hạ thì nắng cháy khét đến từng thớ đá.

Cảm ơn cao nguyên đá

Tác phẩm “Mơ màng đá”

Và mỗi lần đến nơi đây, anh còn được xem người Mông, người Lô  Lô, người Cờ Lao, người Pu Péo…. khéo léo sắp xếp cuộc sống của mình trên đá để tồn tại cùng đá. Hiểu và yêu đến si mê con người nơi đây nên tranh Đỗ Đức vẽ về cao nguyên đá gần như đạt đến độ tinh tế, hiển hiện nét đẹp ẩn sâu bên trong vẻ ngoài xù xì, góc cạnh của con người nơi đây. 

Đỗ Đức từng có thời gian vẽ trên chất liệu giấy dó, sự mỏng manh, mềm mại của chất liệu hội họa truyền thống Việt Nam đã có sự ảnh hưởng rất lớn tới anh khi vẽ về cao nguyên đá. Anh vẽ đồng bào dân tộc đẹp trong dáng vẻ cứng cỏi, sự kiên cường của người dân vùng biên cương nhưng lại lung linh, dịu dàng qua lăng kính yêu thương. Nói như vậy không hẳn Đỗ Đức không miêu tả sự dữ dội của núi rừng nơi đây nhưng anh đã biết biến hóa linh hoạt trong những gam màu để người xem cảm nhận được sự hòa quyện và gắn bó giữa con người - thiên nhiên. Thiên nhiên dữ dội và những con người sinh ra trong đá, lớn lên và tồn tại bên đá dường như cũng có sự cứng cỏi và sắc cạnh của đá.

Tác phẩm “Mẹ trong đá”

Cảm ơn cao nguyên đá, cảm ơn những con người chân thật miền sơn cước đã mang lại cho anh nhiều cảm hứng để sáng tác, Đỗ Đức từng có ý định sẽ làm một triển lãm tranh ngay tại chợ Đồng Văn để người dân cùng đến thưởng thức. Đỗ Đức quan niệm, vẽ tranh là để chia sẻ, để mang cái đẹp đến cho chính người dân nơi đây. Nhưng tiếc thay, ý tưởng này của anh đã không thể thực hiện được và Đỗ Đức đã chuyển thành một triển lãm tranh sơn dầu “Cao nguyên đá” đang diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đến hết ngày 15-11. Anh cũng cho biết thêm, sau triển lãm này, anh sẽ tiếp tục đi và vẽ loạt tranh về con người nơi địa đầu của Tổ quốc đang tham gia bảo vệ biên cương.