Về hội trường, sống lại kỷ niệm xưa

ANTĐ - Sáng 11-11, Học viện ANND tưng bừng cờ hoa. Thầy trò của hàng chục khóa học gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Ngôi trường xưa qua nhiều lần nâng cấp đã khang trang, hiện đại,  nhưng những dấu ấn xưa vẫn còn lưu giữ mãi.

Bác Hồ về thăm lớp công an trung cấp năm 1950

Trong hàng nghìn khách về dự hội trường, tôi may mắn gặp được ông Tô Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Năm 1950, trường Công an trung cấp - tiền thân của Học viện ANND đóng tại xã Yên Nguyên, Chiêm Hóa, gần 100 học sinh được chia về ở nhờ trong 7 nhà dân, gia đình ông Sơn cũng nuôi 12 người. “Cuộc sống thời chiến thiếu thốn vô cùng, các anh chị học viên tuy vất vả nhưng ngoài giờ học vẫn tranh thủ lao động giúp đỡ thêm các gia đình. Khi ấy tôi 14 tuổi, lần đầu tiên được học con chữ cũng là nhờ 2 chị học viên”, ông Sơn nhớ lại, “Lần này được mời về dự Hội trường, ước mong duy nhất là tìm được 2 chị ấy, những người đã đưa tôi đến với cách mạng”.

Từ trường Huấn luyện Công an, sau đổi thành trường Công an Trung cấp, trường Công an Trung ương, trường Sỹ quan An ninh, năm 1969, trường bắt đầu tuyển sinh khóa D1, khóa đào tạo đại học Công an đầu tiên. Đại tá Phạm Công Minh, nguyên Phó Chánh văn phòng Tổng Cục 6, Bộ Công an là một trong những học viên khóa D1. Thời đó trường mới có vài dãy nhà xây đơn giản, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, giường chưa có, học viên trải chiếu nằm ngay dưới đất. “Học viên chúng tôi thường nói vui, chưa ăn thì còn thấy no (vì nghĩ đến bữa ăn), ăn vào rồi lại đói. Cơm độn thêm sắn, hạt bo bo mà cũng không đủ ăn, lần xuống nhà bếp vét cháy, nhưng nhiều đêm bụng vẫn cồn cào”, ông Minh kể lại. Chiến tranh phá hoại xảy ra, điều kiện học tập và cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Kẻng báo động vang lên lúc 1-2h sáng là chuyện bình thường. “Có đêm một anh nằm mơ, kêu ầm lên khiến anh em cứ tưởng địch nhảy dù, vội vàng tìm đường cất giấu tài liệu, giáo trình rồi chạy ra hầm. Chuyện nghe có vẻ tiếu lâm, nhưng mới thấy anh em cảnh giác cao độ quá, đến cả nằm ngủ cũng tâm tâm niệm niệm”.

Cuối năm 1972, chiến tranh ác liệt, thầy trò phải sơ tán về Đức Giang, Hà Tây (cũ). Khi quay về, trường trúng bom, học viên lại cùng nhau đóng gạch, trực tiếp xây nhà. Theo chỉ tiêu, mỗi sinh viên phải đóng đủ 300 viên gạch mới được nghỉ hè. Thêm vào đó, tăng gia sản xuất cũng được đẩy mạnh, hàng tháng mỗi tiểu đội phải trồng được 10kg rau. “Khó khăn, nhưng học hành rất chăm chỉ, phong trào sôi động nhờ các tổ chức đoàn thể đều phát triển. Quý nhất là tình đồng chí thương yêu đùm bọc lẫn nhau, dù có khó khăn đến mấy cũng vượt được qua”, ông tâm sự.

Để lại kỷ niệm sâu sắc nhất với nhà trường cũng phải kể đến khóa D5 (1973-1978). Đó là thời kỳ trường vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất không đủ, học viên phải ở, học trong nhà lá. Cường độ học tập cao, lao động vất vả, nhưng không ai nản chí. Ra trường, rất nhiều sinh viên được điều vào miền Nam công tác, mỗi người một nơi, nhưng đến nay các cựu sinh viên vẫn đoàn kết với nhau thành một tập thể chặt chẽ, thường xuyên trở lại đóng góp hỗ trợ nhà trường. “Bây giờ gặp lại, các thầy cô cũ vẫn bảo, D5 nghịch ngợm nhất, nhưng tình cảm sâu sắc nhất, ghi dấu đậm nét nhất với trường”, Đại tá Bùi Ngọc Đà, cựu sinh viên D5 cho biết, “khóa D5 có riêng một bài hát truyền thống được sáng tác tập thể, về dự hội trường lần này, cựu sinh viên D5 cũng đã ủng hộ 340 triệu đồng cho nhà trường làm 20 bức tranh tường gốm sứ và được hoan nghênh nhiệt liệt”.

Trong lần về thăm Học viện ANND ngày 28-1-1958, nói chuyện với cán bộ, giáo viên nhà trường, Bác Hồ khẳng định: “Đảng, Chính phủ rất chú ý tới công tác Công an và đến đào tạo giáo dục cán bộ Công an, hết sức chăm sóc Công an… Mỗi cán bộ Công an phải cố gắng gương mẫu trong học tập, trong công tác và gương mẫu về đạo đức cách mạng”. Từng lời dạy của Người 65 năm sau vẫn còn nguyên giá trị. Từ trường Huấn luyện Công an - một trong những trường học được thành lập sớm nhất kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trải qua các tên gọi khác như C500, trường Công an Trung ương, trường Sỹ quan An ninh, Đại học An ninh nhân dân, đến nay Học viện đã trở thành một trường đại học hàng đầu của ngành Công an, cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo chủ chốt của ngành.