VĐV Việt Nam hướng tới Thế vận hội 2012: Thiệt đủ đường

ANTĐ - Một quan chức thể thao từng chia sẻ: “Nếu được đổi 96 HCV SEA Games 26 lấy một HCV Olympic, tôi sẵn sàng!”. Điều này đủ thấy mức độ quan trọng của sân chơi thế giới nhưng nghịch lý thay, các chế độ dành cho VĐV dự Olympic lại thua xa các giải khu vực.

“Hy sinh” SEA Games để tập trung giành vé Olympic, nhưng võ sỹ Taekwondo Lê Huỳnh Châu (phải)

 không nhận được một đồng tiền thưởng


Từ miếng ăn…

Bắt đầu từ 25-12, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao do liên Bộ Tài chính, Bộ VH-TT&DL ban hành sẽ có hiệu lực. Theo đó, tiền ăn cho các VĐV trong thời gian tập trung tuyển quốc gia là 200.000 đồng/người/ngày, nhóm có khả năng giành huy chương SEA Games, ASIAD, Olympic sẽ tăng lên 300.000 đồng/người/ngày trong thời gian chuẩn bị tối đa là 90 ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu so sánh với mức 120.000 đồng/người/ngày ban hành từ năm 2008, lại trong thời buổi “bão giá” như hiện nay thì nói là tăng nhưng hóa ra lại giảm. Chưa kể, mức tăng trên chẳng “thấm vào đâu” nếu so với sân chơi cần sự đầu tư nhiều mặt như Olympic. Dương Thị Việt Anh - VĐV đứng đầu trong danh sách cần đầu tư trọng điểm của tuyển điền kinh, chia sẻ: “Nhiều hôm tập nặng cảm thấy rất mau đói. Các món ăn cũng không hợp khẩu vị cho lắm, thực đơn ít thay đổi”. 

Ngoài ra, việc chỉ tăng tiền ăn lên 300.000 đồng/người/ngày trước 3 tháng được cho là cứng nhắc, thiếu hiệu quả. Trưởng Phòng y tế Trung tâm HLTTQG I (Hà Nội), bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền phân tích: “Nhiều VĐV hiện đang phải tập rất nặng để chuẩn bị cho Olympic, đó là lúc họ cần tăng dinh dưỡng nhất nhưng lại chỉ nhận chế độ dinh dưỡng như người không tập. Và phải chờ đến thời điểm 3 tháng trước giải mới tăng tiền ăn, mà đây lại thường là thời điểm các VĐV tập thả lỏng, hoặc ép cân nên sẽ kiêng ăn và chủ yếu dùng thuốc dinh dưỡng”.

… đến tiền thưởng

Sau một kỳ SEA Games thành công, các VĐV giành huy chương đang hí hửng tính toán xem mình sẽ nhận bao nhiêu, người ít cũng 20 triệu đồng còn người nhiều lên đến hơn 100 triệu đồng. Trong khi các VĐV đạt chuẩn Olympic 2012 lại chẳng được một xu tiền thưởng, dù việc kiếm vé dự Thế vận hội khó hơn rất nhiều so với giành huy chương khu vực. Điển hình như Trương Thanh Hằng giành tới 2 HCV SEA Games nhưng vẫn chưa đạt chuẩn B Olympic, hay dù giành tới 288 huy chương SEA Games song số VĐV Việt Nam chính thức được dự Thế vận hội 2012 đến nay mới chỉ đúng 3 người.

Nhiều quan điểm cho rằng ngành thể thao nên xem xét việc phân loại huy chương để thưởng, ví dụ cùng giành HCV nhưng một VĐV ở nội dung chỉ có 3 người tham dự sẽ khác với người phải vượt qua hơn chục đối thủ mới vô địch. Nếu so sánh như trên thì các VĐV đạt chuẩn Olympic phải được thưởng ngang hoặc cao hơn HCV SEA Games bởi để có được thành tích đó họ phải vượt qua hàng trăm đối thủ mạnh trên khắp thế giới. Đó là chưa kể nhiều VĐV phải “hy sinh” đấu trường SEA Games để dành sức cho các giải vòng loại Olympic. Nhưng thực tế, hiện vẫn chưa có bất cứ chế độ tiền thưởng nào cho mỗi tấm vé dự Thế vận hội, đơn giản là quy định tiền thưởng chỉ dành cho những người có huy chương.

Trở lại với “mơ ước” của một quan chức thể thao: 1 HCV Olympic đổi 96 HCV SEA Games. Vậy thì việc giành vé Olympic không nhận nổi một xu tiền thưởng, liệu có phải là bất công?