Vào mùa… đau mắt đỏ

ANTĐ - Những ngày gần đây, thời tiết liên tục thay đổi, nắng mưa thất thường khiến bệnh đau mắt đỏ có dấu hiệu bùng phát. Tại các bệnh viện chuyên ngành mắt trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân tới khám gia tăng.

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội

Bệnh nhân tới khám gia tăng

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, thời điểm hiện nay, trung bình 50 người đến khám thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ, chiếm tỷ lệ 20%. Tại Bệnh viện Mắt Hà Đông (Hà Nội), TS.BS Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ bắt đầu tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân.

Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, do chưa đến “chính vụ”, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tuy không ồ ạt nhưng cũng bắt đầu tăng nhanh. Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến bệnh đau mắt đỏ “vào mùa” là do thời tiết thay đổi, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang bắt đầu có những trận mưa, độ ẩm không khí cao. 

ThS.BS Trần Tiến Đạt, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt Hà Đông cho biết, trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nói chung, do vậy dễ bị đau mắt đỏ hơn. Ngược lại, người già do mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển nên ít gặp đau mắt đỏ.

Ngoài ra những người nhạy cảm với thời tiết, hệ thống miễn dịch yếu cũng rất dễ bị nhiễm bệnh. Triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, chói, mi mắt sưng nhẹ, chảy nước mắt. Khi bệnh toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ và có ghèn, khó mở vào buổi sáng. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc… 

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hay dùng chung các vật dụng với người bệnh đau mắt đỏ như khăn mặt, gối… Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh.

Bệnh thường gặp vào mùa hè nắng nóng, hay thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao, thường là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Đáng chú ý, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, có thể gây thành dịch. Chỉ cần một người mắc có thể lây cho cả gia đình, cộng đồng nhất là những nơi tập trung đông người.

Chữa bằng mẹo rất nguy hiểm

Theo BS Nguyễn Vinh Quang, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng nếu người dân tự ý chữa trị tại nhà, đến khi bệnh nặng mới đến khám sẽ thường để lại di chứng nặng nề. Tương tự, ThS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mặc dù đã có khuyến cáo việc không được tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ nhưng năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện khi mắt đã có biến chứng nặng do dùng thuốc truyền miệng (từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây) hoặc tự ý mua các loại thuốc về tra mắt.

ThS.BS Trần Tiến Đạt lưu ý, đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, ít để lại di chứng nhưng thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài từ 7 - 14 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đau mắt đỏ không được điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định, có thể gây biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực.

“Đối với người bị đau mắt đỏ hoặc nghi đau mắt đỏ cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt” - bác sĩ Trần Tiến Đạt cho biết.

Cũng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh, trong đó nhấn mạnh cách phòng tránh đau mắt đỏ quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch… Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; phải nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.