Với những năng lực thể hiện, A-400M dự đoán sẽ là dòng máy bay tầm trung đắt hàng và cạnh tranh trực tiếp với C-300J do Mỹ sản xuất. Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia mua 4 chiếc trong khi Indonesia đặt mua 2 chiếc.
Airbus đã xác nhận thông qua tài khoản X chính thức của họ rằng chiếc A400M đầu tiên dành cho không quân Indonesia (IdAF) đã vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi bàn giao.
Những bước này thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong việc chuẩn bị máy bay A-400M cho lần ra mắt hoạt động trong không quân Indonesia.
Máy bay, số hiệu sản xuất MSN148, hiện đang tiến tới lắp đặt động cơ và phần mềm trên máy bay, sau đó nó sẽ được tiến hành thử nghiệm toàn diện.
Bộ Quốc phòng Indonesia đã đặt hàng hai chiếc Airbus A400M vào năm 2021, với khả năng mua thêm hai chiếc nữa, động thái này nhấn mạnh tham vọng của Jakarta trong việc nâng cao năng lực vận tải hàng không chiến lược và chiến thuật.
Vận tải cơ 7 A400M với thiết kế đa năng, được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng của IdAF trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ vận tải chiến lược đến viện trợ nhân đạo, sơ tán y tế và tiếp nhiên liệu trên không.
A-400M được đánh giá là loại máy bay vận tải quân sự cánh quạt hiện đại bậc nhất thế giới. Ý tưởng chế tạo A-400M xuất hiện từ đầu những năm 1980 nhằm giúp các nước châu Âu nâng cao năng lực vận tải quân sự và không phụ thuộc vào các máy bay Mỹ.
Tuy nhiên, chương trình A-400M đã bị kéo dài và cho tới tận tháng 12/2009, chuyến bay đầu tiên của loại máy bay này mới được thực hiện. Cho tới nay, chương trình A-400M được cho là đã ngốn khoảng 20 tỷ euro của các nước thành viên phát triển.
Tuy thế những gì loại máy bay này thể hiện được coi là xứng đáng với công sức và tiền của đổ ra từ các thành viên phát triển chúng.
Tham gia dự án này ban đầu có 8 nước gồm Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Luxembourg với tổng số lượng đặt hàng dự kiến lên tới 212 chiếc. Sau đó Italia rút lui và số lượng đặt hàng được điều chỉnh xuống còn 174 chiếc.
Trong số đó, Đức đặt hàng nhiều nhất với 60 chiếc, sau đó giảm xuống còn 53 chiếc. Pháp đứng thứ hai với 50 chiếc.
Tiếp theo trong danh sách này là Tây Ban Nha (27 chiếc), Anh (22 chiếc), Thổ Nhĩ Kỳ (10 chiếc), Bỉ (7 chiếc) và Luxembourg (1 chiếc)
A400M có sải cánh rộng 42,4m, dài 45,1m, khoang chở hàng có thể tích khoảng 356m3, có thể chứa những trang bị cỡ lớn như trực thăng, xe chở tên lửa, xe bọc thép
Trọng lượng lớn nhất khi cất cánh của máy bay là 141 tấn, trọng lượng máy bay khi chưa chở hàng là 76,5 tấn, tải trọng tối đa 37 tấn.
Một lần cất cánh có thể chuyên chở 120 binh sĩ, tốc độ bay đường trường ở độ cao 14.100m lên tới 0,68 - 0,72 Mach, gần bằng tốc độ máy bay phản lực.
Khả năng hành trình khi mãn tải là 5.000km. Trong trường hợp hỗ trợ binh lính nhảy dù, A400M có thể bay với vận tốc cực chậm 200km/h.
Máy bay A400M được tích hợp 4 động cơ phản lực cánh quạt TP400-D6 do Công ty EPI châu Âu nghiên cứu chế tạo, công suất tối đa của loại động cơ ba trục này khoảng 11.000 mã lực, đây cũng là loại động cơ phản lực cánh quạt lớn nhất của phương Tây
Động cơ TP400-D6 còn có đầy đủ tính năng đặc trưng giảm thấp tín hiệu hồng ngoại, từ đó khiến cho đối phương khó có thể phát hiện được đường đi của A400M. Mỗi động cơ TP400-D6 bên trong đều lắp máy nén cấp 9 và máy tuabin cấp 5.
Đường kính của mỗi cánh quạt là 5,33m, kích thước hình học của động cơ trở nên khá gọn, độ dài chỉ 3,5m, trọng lượng 1,9 tấn. Cánh quạt hình xoáy ốc của A400M sử dụng phương thức quay ngược chiều để tăng tính khí động học và sức mạnh.
Với những năng lực thể hiện, A-400M dự đoán sẽ là dòng máy bay tầm trung đắt hàng và cạnh tranh trực tiếp với C-300J do Mỹ sản xuất.