80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023)

Văn hóa phải thực sự là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, chính trị và xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay 22/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Họp báo giới thiệu chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023).

Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). Sau 80 năm, tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Nguồn: Baotanglichsu.vn
Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Nguồn: Baotanglichsu.vn

Chuỗi các hoạt động chính kỷ niệm

Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, các hoạt động kỷ niệm, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Đồng thời, khẳng định tầm nhìn của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, một chuỗi các hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức liên tục trong dịp này. Bao gồm: Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra vào 20h ngày 28/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử". Chương trình được trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL thông tin về chuỗi các hoạt động kỷ niệm

Thứ trưởng Bộ VHTTDL thông tin về chuỗi các hoạt động kỷ niệm

Phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” sẽ chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phim dự kiến phát sóng vào 20h30 ngày 27/2 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam với thời lượng trên 40 phút.

Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 25/2 đến 3/3/2023 trên phạm vi toàn quốc. Lễ khai mạc Tuần phim diễn ra vào 19h ngày 25/2 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội).

Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. Triển lãm góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Triển lãm tổ chức khai mạc vào 7h30 ngày 27/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và ngày 28/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dự kiến sẽ có khoảng 80 bức ảnh được trưng bày.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Trong dịp này, tại các địa phương, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cũng xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với các hình thức phù hợp, như: tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu Đề cương về văn hóa Việt Nam…

Góc nhìn mới, giải pháp mới cùng những đề xuất chính sách mới cho văn hóa

Đặc biệt, được kỳ vọng mang đến những góc nhìn mới, giải pháp mới cùng những đề xuất chính sách mới cho văn hóa trong thời kỳ mới, một hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" sẽ được tổ chức vào ngày ngày 27/2/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh/thành phố.

Đây là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Hội thảo huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước nhằm làm rõ các giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay và trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: “Khi đã coi văn hóa là một “mặt trận” thì phải có sự đầu tư cho mặt trận đó, để văn hóa thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: “Khi đã coi văn hóa là một “mặt trận” thì phải có sự đầu tư cho mặt trận đó, để văn hóa thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”

Làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hội thảo gồm 2 phiên: Giá trị lý luận và thực tiễn của "Đề cương về văn hóa Việt Nam'; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: “Ở phần này sẽ có các thảo luận “không né tránh” coi văn hóa là một “mặt trận”. Và khi đã coi văn hóa là một “mặt trận” thì phải có sự đầu tư cho mặt trận đó, để văn hóa thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”.

Và như vậy, coi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là sự khởi nguồn, thì động lực gì để hiện thực hóa khát vọng, chấn hưng văn hóa của dân tộc và văn hóa thực sự là mũi nhọn trong phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội? Các tham luận sẽ tập trung vào giải pháp có tính liên ngành, bởi câu chuyện phát triển văn hóa không phải chỉ của riêng ngành văn hóa. Đây thực sự là trách nhiệm của toàn xã hội.

Sau phiên này, chúng tôi tiếp tục thảo luận bàn tròn với 7 cụm trao đổi, xoay quanh giải pháp phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, chúng ta sẽ phải làm gì để văn hóa được ưu tiên. Trước đây phấn đấu, văn hóa phải được đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm- Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu. Vậy thì làm gì để đạt được mức đó? Phải có các giải pháp để đạt được điều đó, ví dụ như trong các hợp tác công- tư hay là những Luật về thuế, ưu đãi, sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, hội thảo được tổ chức với tâm huyết trách nhiệm của những người thực sự muốn văn hóa trở thành một “mặt trận”. Muốn chiến đấu được thì trên “mặt trận” ấy phải có những tập trung ưu tiên, tập trung kích hoạt cho sự phát triển đó. Đây không phải câu chuyện của riêng ngành văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương lý giải, bây giờ, muốn đầu tư cho văn hóa thì văn hóa phải phát triển ngang hàng với kinh tế, giao thông hay giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, văn hóa chưa đạt được những điều đó, và vấn đề này không phải của riêng văn hóa mà là còn của nhiều bộ ngành khác nhau.

“Chúng tôi mong muốn, các vấn đề đặt ra tại hội thảo này, tạo ra chú ý, lan tỏa, có nhiều hơn các giải pháp về đầu tư cho văn hóa, tối ưu hóa, để văn hóa thực sự là mặt trận ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội và cũng phải coi văn hóa thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn mới có thể hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam là một quốc gia vô cùng giàu tài nguyên văn hóa, nhưng cho đến nay việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở VN mới chiếm 3,61% nghĩa là mới chỉ mức trung bình của thế giới, trong khi chúng ta được coi là một trong không nhiều quốc gia giàu có về mặt văn hóa”. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nói.