Vấn đề cốt lõi

ANTĐ - Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế “Ổn định tài chính khu vực Đông Á”. Hội nghị đã rút ra 6 kết luận, được coi là những gợi ý, tham vấn đối với chính phủ các nước trong khu vực về việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là quản lý hệ thống tài chính - ngân hàng và xử lý nợ xấu. Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm nước chủ nhà Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc 3 trụ cột của nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc hệ thống tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng, với gánh nặng nợ xấu “nóng hổi” và bức bí.

Bộ trưởng Tài chính khẳng định trước hội nghị, quá trình tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được tiến hành song song với tái cấu trúc thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng nhằm lành mạnh hóa tình trạng tài chính, cải thiện năng lực, độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ lập lại trật tự thị trường, ổn định hệ thống, tiếp tục kiên trì mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, duy trì hệ thống ngân hàng ổn định. Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính ngân hàng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam bị chậm lại là do 3 nguyên nhân chính: thiếu thông tin minh bạch, lợi ích nhóm đan xen và mối liên kết giữa ngân hàng với bất động sản cũng như khối doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, nếu tái cơ cấu ngân hàng không song hành với tái cơ cấu doanh nghiệp thì không thể xử lý được vấn đề cốt lõi vì nợ dây dưa lẫn nhau, đồng thời dẫn đến tắc nghẽn tín dụng, vì khi còn nợ xấu, ngân hàng không dám cho vay tiếp và doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng. Theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng, hiện nay nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới 375.000 tỷ đồng. Nợ xấu phải được xử lý ngay, vì mỗi tháng, nợ xấu có thể tăng từ 5-8%. Đáng lo ngại, nợ xấu là vấn đề của tuần, của tháng chứ không phải của năm nữa. Một số chuyên gia đã “hiến kế” để xử lý nợ xấu, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu và công ty xử lý nợ xấu có thể phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.

Ngoài ra có thể sử dụng nguồn ngân sách, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy vậy, vấn đề mà các chuyên gia lo ngại là, các ngân hàng đã cho vay các bên liên quan rất nhiều và một tỷ trọng nợ xấu lớn thuộc về các đối tác này. Do đó, nếu mạnh tay xử lý nợ xấu có thể dẫn đến những thiệt hại dây chuyền, vì thế đây chính là một trong những lực cản trong xử lý nợ xấu. Mặt khác, việc xử lý còn gặp những “điểm nghẽn” khác như nợ của các doanh nghiệp nhà nước và nợ liên quan đến bất động sản. Đây chính là 3 cấu phần lớn nhất, trở ngại lớn nhất trong xử lý nợ xấu. Cần phải tách rời ra và có phương án giải quyết triệt để, quyết liệt từng khâu một.

Theo đề xuất của một chuyên gia sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia cũng rơi vào tình trạng nợ xấu là, Chính phủ cần có một kế hoạch bài bản. Việc đầu tiên là yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin minh bạch nhất về các bên liên quan của ngân hàng; số tín dụng mà ngân hàng cung cấp là bao nhiêu; nợ xấu của nhóm này là bao nhiêu… từ đó mới có giải pháp xử lý.

Tới nay chưa có thống kê đầy đủ, chính thức nợ các bên liên quan trong hệ thống ngân hàng. Song, theo đánh giá của một số chuyên gia, tỷ lệ cho vay nội bộ tại nhiều ngân hàng không dưới 20-30%. Nợ xấu, nợ dây dưa lẫn nhau mới là “gánh nợ” đáng sợ. Chỉ riêng ngân hàng tự xử lý là rất khó nếu không thành lập công ty mua bán nợ.