Vác dao diễu phố trở thành trào lưu xấu trong giới trẻ

ANTD.VN - Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, thay vì cố gắng để theo đuổi ước mơ thì không ít người chưa thành niên đã tự tay vẽ nên những nét bút đen trên trang lý lịch của cuộc đời mình bằng những tội danh. Điều đáng báo động là tình trạng này lại đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp khi mang vũ khí đi diễu phố, dọa người đi đường như một trào lưu xấu trong giới trẻ, bởi chỉ cần gọi là thanh thiếu niên sẵn sàng lên đường đi hỗn chiến.

Nhóm thanh thiếu niên này nằm trong 16 đối tượng thanh thiếu niên vừa bị CAH Thạch Thất, Hà Nội khởi tố vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Thành viên tham gia nhỏ tuổi nhất của nhóm mới chỉ 14 tuổi. Chỉ vì cái nhìn đều, cả nhóm đã tụ tập, đi xe máy kẹp 3, mang theo vũ khí đi hỗn chiến.

Trên đường đi cả nhóm kéo lê dao phóng lợn xuống đường, chay xe máy kẹp 3, lạng lách, đánh võng, tốc độ cao khiến người dân sợ hãi. Hễ gặp nhóm thanh niên nào tụ tập đi đường, dù không biết là ai, nhóm này cũng phi xe đuổi đánh.

Hình ảnh ghi lại vụ "hỗn chiến" của 80 thanh thiếu niên diễn ra tại đường Nguyễn Văn Linh, thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội... 80 đối tượng mang theo tuýp sắt gắn dao phóng lợn để đi thanh toán nhóm khác chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội. Và để “xử” đối thủ, hai bên rủ rê, lôi kéo thêm nhiều bạn bè trên mạng xã hội cùng tham gia. Điều đáng nói, trong băng nhóm này có bé gái mới chỉ 13 tuổi.

Thật đáng buồn khi các cuộc hỗn chiến không còn là mâu thuẫn nhỏ giữa cá nhân, các vụ đánh nhau đã trở thành các cuộc chiến giữa các băng nhóm. Đối tượng tham gia thường không có mối quan hệ với nhau, chỉ "hưởng ứng" phong trào cùng nhau vác dao diễu phố trên mạng xã hội.

Vác hung khi diễu phố đang ngày càng như một trào lưu xấu trong giới trẻ. Trong khi đó, trẻ em và người chưa thành niên đang trong giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách, trí tuệ, thể lực nên tâm lý khá phức tạp, thiếu ổn định. Lứa tuổi này, các em luôn có xu hướng muốn vươn lên thành người lớn; có khuynh hướng tự lập, bứt phá mọi sự ràng buộc và muốn khẳng định bản thân. Nếu không có sự uốn nắn, định hướng kịp thời của người lớn, con trẻ rất dễ bị lệch lạc và đánh mất cuộc đời.

Xã hội thường có tác động đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Vì thế, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần sát sao hơn trong mỗi bước đi của con trẻ, để các em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời học hỏi và đạt được những gì tốt đẹp nhất. Có như vậy, thì chính các em và các gia đình mới không còn phải nói đến từ "giá như".